- Tin Tức

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG: Nâng cao nhận thức bảo vệ, phát triển rừng

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh ta thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo các quy định của Nhà nước. Mục tiêu then chốt của chính sách này là góp phần nâng cao nhận thức của người dân, các chủ rừng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Thực hiện Nghị định số 156 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 99 quy định chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và Nghị định số 147 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99; từ năm 2013, hàng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh (thuộc Sở NN&PTNT) chi trả DVMTR cho các ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp, người dân để quản lý, bảo vệ rừng thuộc các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích rừng được giao khoán bảo vệ hơn 170 nghìn héc ta.

Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh), phân tích: “Chúng tôi được Nhà nước giao quản lý hơn 10.500 ha rừng tự nhiên. Giai đoạn từ năm 2016 – 2018, Công ty giao khoán cho các hộ dân quản lý 4.000 ha rừng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững với mức khoán 400 nghìn đồng/ha/hộ/năm. Từ tháng 7.2019, thay cho hộ dân, từ kinh phí DVMTR, chúng tôi giao khoán 2.500/4.000 ha rừng kể trên cho 4 cộng đồng dân cư của các làng K2, K3, K8 và Xứ Cát, xã Vĩnh Sơn, với mức khoán từ 300 – 350 nghìn đồng/ha/năm để quản lý, bảo vệ rừng. Với phương thức mới, các hộ dân vừa là chủ rừng vừa là thành viên tổ cộng đồng nên sẽ có trách nhiệm hỗ trợ nhau, tính cộng đồng trách nhiệm sẽ cao hơn, về lợi ích thì vẫn như nhau. Qua đó vừa giúp người dân có thêm thu nhập, mặt khác còn giúp thay đổi nhận thức của cả cộng đồng, nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ rừng”.

Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn (ở xã An Toàn, huyện An Lão) được Nhà nước giao quản lý hơn 26.000 ha rừng nguyên sinh. Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, mỗi năm đơn vị có 300 – 400 triệu đồng, kinh phí này được dùng để tuần tra bảo vệ rừng và giao khoán 7.500 ha rừng cho 210 hộ dân của xã An Toàn với mức khoán bảo vệ rừng gần 400 nghìn đồng/ha/hộ/năm. Nhờ thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đồng bào dân tộc thiểu số thêm gắn bó với rừng và nhận thức về lợi ích cũng chuyển biến tích cực hơn.

Ông Đinh Văn Hói, ở thôn 2, xã An Toàn, chia sẻ: “Rừng chính là cuộc sống của bà con ở đây. Chúng tôi thường xuyên được tuyên truyền bảo vệ rừng, lại được giao nhận khoán bảo vệ rừng để có thêm thu nhập nên người dân có ý thức hơn, mọi người chung tay tích cực bảo vệ rừng”.

Ông Nguyễn Đức Chiến, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, cho biết: “Năm 2019, chúng tôi sẽ phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh để cập nhật theo dõi diễn biến rừng, xây dựng bản đồ xác định diện tích chi trả DVMTR. Đồng thời, để phát huy tính minh bạch, hạn chế dùng tiền mặt, đơn vị sẽ tiến hành chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ATM cho các chủ rừng và người dân được thụ hưởng”.

DVMTR là chính sách linh hoạt, nhân văn của Nhà nước mang tính xã hội hóa nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCC rừng. Mặc dù nguồn thu DVMTR tại tỉnh ta còn thấp nhưng nhờ linh hoạt kết hợp nhiều phương thức, vận dụng linh hoạt tùy theo đặc thù địa phương đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của các chủ rừng, hộ dân, đặc biệt là trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó hạn chế tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng với các hành vi phá rừng trái pháp luật, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, góp phần tăng độ che phủ rừng toàn tỉnh.

Đoàn Ngọc Nhuận – Báo Bình Định

About fpabinhdinh

Read All Posts By fpabinhdinh