- Tin Tức

Cơ hội và thách thức của Bình Định: Tiềm năng thị trường đi cùng điều kiện cần có

Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại với Hội Doanh nhân Việt Nam – Canada (VCBA), các đại biểu đã cùng trao đổi những vấn đề liên quan đến tiềm năng thị trường, các điều kiện cần có, xu hướng tiêu dùng, chính sách ưu đãi xuất khẩu và các biện pháp phòng vệ thương mại của Canada. Các DN được giới thiệu kênh kết nối hiệu quả và thiết thực để tham gia sâu rộng hơn vào thị trường Canada và tiến vào thị trường Bắc Mỹ.

Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng: Nhìn nhận những cơ hội và thách thức

Bình Định vẫn luôn quan tâm nhìn nhận những cơ hội và thách thức để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh sang thị trường Canada nói riêng và thị trường các nước Bắc Mỹ nói chung.

Để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động này trong thời gian tới, ngành Công Thương Bình Định tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất xuất khẩu.

Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, mở ra nhiều cơ hội để các DN sản xuất, thương mại quảng bá hình ảnh, tiếp cận và mở rộng thị trường theo hướng chú trọng mở rộng thị trường tiềm năng.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao. Xây dựng các trung tâm logistics để tham gia mạng lưới logistics khu vực và quốc tế; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích hình thành các vùng sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực tập trung, tạo nguồn hàng xuất khẩu quy mô lớn và có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển KT-XH  của tỉnh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm xuất khẩu trên cơ sở chiến lược kinh doanh phù hợp, đổi mới phương thức kinh doanh, tăng cường tiềm lực của DN và phát triển các liên kết trong và ngoài nước. Cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và kinh doanh trên nền tảng công nghệ số của DN. Phát triển đa dạng cả phương thức xuất khẩu chính ngạch truyền thống và phương thức xuất khẩu hiện đại. Đặc biệt, cần đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử xuyên biên giới và tham gia các sàn thương mại điện tử thế giới.

Tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường để kịp thời cung cấp cho các hiệp hội, DN.

Tiếp tục thông tin tuyên truyền, phổ biến Hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do khác và thị trường của các nước cho các DN trên địa bàn tỉnh để tận dụng hiệu quả hơn các lợi thế do các FTA mang lại. Tiếp tục thông tin và cập nhật các cảnh báo về các biện pháp ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng ngày càng gia tăng.

Ông Dan On – Chủ tịch VCBA, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Dân Ôn: Nhiều sản phẩm thế mạnh của Bình Định phù hợp thị trường Canada

Hiện nay, Canada mua hàng từ Việt Nam rất nhiều với 10 tỷ USD và Chính phủ Canada đang tập trung vào các DN nhỏ, là trọng tâm của nền kinh tế của nước này và DN nhỏ chỉ đóng thuế 17%.

Ông Dan On – Chủ tịch VCBA, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Dân Ôn.

Canada có diện tích rộng lớn, nhiều tài nguyên.Bình Định cũng vậy, nhiều tiềm năng, lợi thế, có nhiều sản phẩm, ngành hàng là thế mạnh của tỉnh phù hợp với nhu cầu thị trường Canada. Tôi có thể giúp DN hai nước hợp tác đầu tư, phát triển thương mại. Quan hệ Canada và Việt Nam ngày càng phát triển là điều kiện tốt để các DN hai nước mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Hiện nay, phái đoàn Thương mại Canada (Team Canada Trade Mission) do bà Mary Ng, Bộ trưởng Xúc tiến xuất khẩu, Thương mại quốc tế và Phát triển kinh tế dẫn đầu để tìm hiểu về các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Đi cùng phái đoàn là 100 DN Canada với mong muốn tìm cơ hội hợp tác tại Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng. Tôi sẽ thu thập tất cả các thông tin của Bình Định mà các DN Canada quan tâm, kết nối DN hai nước hợp tác đầu tư, phát triển. Điều quan trọng, tôi cho rằng DN chúng ta không phải chỉ bán sản phẩm mà bán dịch vụ, trải nghiệm cho khách hàng.

VCBA có trụ sở chính tại Vancouner (Canada), nơi đây có các DN lớn, đáp ứng nhau cầu các DN Việt Nam muốn xuất nhập khẩu các mặt hàng từ Việt Nam sang Canada và ngược lại, đặc biệt là giao nhận, vận chuyển, ký gửi, giới thiệu sản phẩm.

Các DN Việt Nam có thể ký gửi hàng hóa, có thể thuê mướn gian hàng để kinh doanh buôn bán và thâm nhập thị trường Canada. Theo cách nghĩ của tôi, đây là cơ hội cần và đủ cho các DN muốn làm ăn, buôn bán và đầu tư 2 chiều giữa 2 quốc gia. Bởi, ở đâu có người Việt định cư là nơi đó sẽ trở thành nơi tiềm năng cho phát triển giao thương và các lĩnh vực khác.

Tôi cũng đã đến nhiều tỉnh, thành của Việt Nam, nhưng ấn tượng đặc biệt với Quy Nhơn – Bình Định. TP Quy Nhơn quá đẹp, lãnh đạo tỉnh chân tình và sâu sắc, tuyệt vời. Tôi và nhiều DN của VCBA sẽ trở lại Bình Định vào một ngày sớm nhất.

Ông Nguyễn Hoài Bắc, Ủy viên Ban chấp hành VCBA: Quan trọng là cơ hội đầu tư

Tôi có hơn 30 năm kinh doanh ở Canada, và tôi cho rằng giai đoạn hiện nay là cơ hội cần và đủ cho các DN muốn làm ăn, buôn bán và đầu tư hai chiều giữa hai quốc gia. Bởi, Canada là quốc gia rộng thứ 3 trên thế giới, có bờ biển lớn nhất và dài nhất thế giới, 3 mặt giáp biển (phía Bắc giáp Bắc Băng Dương, phía Đông giáp Đại Tây Dương và phía Tây giáp Thái Bình Dương), 1 mặt có biên giới phía Nam giáp Hoa Kỳ, giao thương bằng đường biển giữa Việt Nam và Canada cực kỳ thuận lợi.

Ông Nguyễn Hoài Bắc, Ủy viên Ban chấp hành VCBA

Vận tải đường biển ở Canada giá thành rẻ, nhanh chóng thuận lợi để tiếp cận với hàng hóa cần giao thương. Canada có 2 cảng lớn nhất thuộc khu vực Bắc Mỹ là cảng Vancouver và Halifax.

Bên cạnh đó, VCAB có trụ sở chính tại Vancouner, nơi đây có các DN lớn, đáp ứng nhu cầu các DN Việt Nam muốn xuất nhập khẩu các mặt hàng sang Canada và ngược lại.

Tôi không quan tâm lắm đến chính sách vĩ mô của các nước thể hiện ở các hiệp định, mà quan tâm cơ hội đầu tư. Bình Định phải đưa ra những chính sách nào tốt nhất, thực tế nhất để chúng ta có thể kết nối được với nhau.

Bình Định đang vươn lên, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo cú huých cho phát triển kinh tế mạnh mẽ trên thị trường nước ngoài. Tôi đề xuất các DN chế biến nông lâm thủy sản tại Bình Định có thể kết nối với ông Châu Cường là DN  lớn, chủ sở hữu chuỗi Siêu thị 88 (88 Supermarkets) tại Vancouver (Canada). Các siêu thị này có khả năng hỗ trợ cho các DN Việt Nam nói chung và DN của tỉnh Bình Định nói riêng xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản và các mặt hàng khác sang thị trường Canada và Hoa Kỳ.

Ông Phạm Hồng Hải – Phó Chủ tịch Công ty Chứng khoán Thiên Việt, nguyên Giám đốc Quốc gia Ngân hàng HSBC Canada: Tiếp cận Canada, DN có thể phát triển thị trường xuất khẩu ra toàn cầu

Tất cả các DN trên thế giới đều nhắm vào thị trường Mỹ để xuất khẩu, đây là thị trường rất cạnh tranh nên cũng là thị trường khó nhất. Tôi muốn đưa ra một cách tiếp cận khác, đó là thay vì “đâm đầu” vào cái khó nhất thì đi vào một cửa dễ hơn và thuận lợi hơn, đó là đi qua thị trường Canada, là cửa ngõ để gián tiếp tiếp cận thị trường Mỹ và Bắc Mỹ.

Ông Phạm Hồng Hải – Phó Chủ tịch Công ty Chứng khoán Thiên Việt, nguyên Giám đốc Quốc gia Ngân hàng HSBC Canada

Vị trí địa lý, nhu cầu tiêu dùng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ Canada và nhiều yếu tố khác đã và đang hấp dẫn các DN. Trước nhất, Canada là đất nước rộng lớn, thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 trên thế giới, là cửa ngõ vào thị trường Bắc Mỹ. Hơn nữa lực lượng lao động lành nghề ở Canada dồi dào; hệ thống pháp luật rõ ràng kinh tế vĩ mô và chính trị ổn định; thuế DN thấp hơn so với Mỹ và các nước EU.

Đặc biệt, Canada còn là nền kinh tế G7 duy nhất có hiệp định tự do thương mại toàn diện với tất cả các nước G7 khác và với EU, thuận lợi cho các giao dịch và hợp tác giữa các DN Việt Nam và Canada.

Tại Canada có hơn 4.600 chương trình với hàng tỷ USD được Chính phủ hỗ trợ cho DN thông qua việc trợ cấp, cho vay hoặc ưu đãi thuế, nhằm mục đích tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; xây mới hoặc mở rộng cơ sở sản xuất; nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sản phẩm mới; tiếp cận thị trường mới trong nước hay quốc tế; tăng năng lực sản xuất. Có nhiều lĩnh vực đầu tư và kinh doanh tiềm năng cho DN Việt Nam, như: Kinh doanh xuất nhập khẩu; đầu tư, kinh doanh bất động sản thương mại và bất động sản công nghiệp; sản xuất nông nghiệp, nông trại; sản xuất và chế biến thực phẩm, đồ uống; ngành xây dựng; các sản phẩm ngành y tế và dược phẩm (life sciences).

DN Việt Nam, đặc biệt là DN đang xuất khẩu hoặc sản xuất gia công cho xuất khẩu sẽ được hưởng nhiều lợi thế để nâng tầm hoạt động kinh doanh lên thành tựu cao hơn qua chi nhánh, công ty con tại Canada. Việc bán hàng qua Mỹ từ chi nhánh Canada được xem là hoạt động xuất khẩu, vì vậy sẽ nhận được nhiều hình thức tài trợ xuất khẩu thuận lợi, cùng với các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do giữa Canada, Mexico và Hoa Kỳ (USMCA).

Tuy vậy, Chính phủ Canada cũng yêu cầu rất cao đối với các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh từng ngành, lĩnh vực. Nếu DN đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, thị trường Canada thì việc đặt cơ sở kinh doanh tại Canada không những tiếp cận thị trường Canada, mà còn có thể phát triển thị trường xuất khẩu ra toàn cầu và quảng bá thương hiệu của DN trên phạm vi toàn cầu.

Theo M.Hoàng – T.Sỹ – N.Dũng – Báo Bình Định

 

About fpabinhdinh

Read All Posts By fpabinhdinh