- Tin Tức

Phát triển từ nguyên liệu gỗ rừng trồng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mới đây, nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng khai thác trong nước đã thay thế gỗ rừng tự nhiên trong nước, đáp ứng cơ bản cho nhu cầu chế biến gỗ phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trên cơ sở thực hiện thành công các chương trình, dự án trồng rừng của Nhà nước trong thời gian qua như: Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc giai đoạn 1993-1998 (CT 327), Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998-2010 (DA 661); Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011-2015, nên ngoài việc quản lý, bảo vệ tốt các diện tích rừng hiện có, nâng độ che phủ của rừng lên 41,45% vào năm 2017, đã tạo được nguồn nguyên liệu rừng trồng ổn định, hợp pháp cho ngành chế biến gỗ; trong giai đoạn từ 2007-2017, sản lượng khai thác gỗ trong nước tăng trưởng ổn định, bình quân hơn 10% / năm. Năm 2017, tổng nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ là khoảng 31 triệu m3 gỗ tròn, trong đó 25 triệu m3 từ nguồn gỗ trong nước (18 triệu m3 gỗ rừng trồng, 3 triệu m3 gỗ cao su thanh lý và 3 triệu m3 gỗ từ cây phân tán), chiếm 75% nhu cầu. Nhờ phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đã tạo điều kiện thuận lợi, từng bước giúp các doanh nghiệp chế biến chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm dần vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, từ đó đã giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Đồng thời tạo ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam tại thị trường trong nước và thế giới.

Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển, với nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng đã tạo động lực, thu hút đầu tư để phát triển các dự án trồng rừng cung cấp nguyên liệu, điều đó đã gián tiếp góp phần ổn định đời sống cho người dân làm nghề rừng, đồng thời hạn chế phá rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc hình thành các mô  hình liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến và người trồng rừng nguyên liệu đạt hiệu quả kinh tế cao, gắn với bảo vệ môi trường đã giúp cho các doanh nghiệp gỗ chủ động được nguồn nguyên liệu của mình. Chẳng hạn như mô hình liên kết các hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng keo có chứng chỉ FSC của Công ty Scansia Pacific: Công ty hỗ trợ chi phí để đánh giá và duy trì chứng chỉ FSC trên diện tích 5.000 ha trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Cam kết thu mua gỗ keo có chứng chỉ FSC có đường kính trên 13cm cao hơn gỗ không có chứng chỉ tại cùng thời điểm từ 15-20% tùy theo chất lượng gỗ, và không ép giá khi có thiên tai, rủi ro ảnh hưởng đến rừng keo FSC.

Đối với các hộ dân có rừng keo FSC khi gặp khó khăn về tài chính ở độ tuổi rừng từ 4-5 tuổi, quyết định tỉa thưa kéo dài tuổi thọ thêm 2-3 năm để nuôi cây lớn hơn, công ty sẽ hỗ trợ cho vay 4.000.000 đồng/ha/ năm với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại tại thời điểm vay là 2%/năm. Đặc biệt, vốn vay và lãi suất sẽ được trả lại cho Công ty khi hộ dân đến kỳ khai thác bán gỗ. Hay mô hình liên kết giữa Công ty Woodsland với các hộ gia đình trồng rừng tại tỉnh Tuyên Quang hoặc của Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định (Nafoco) xây dựng mô hình liên kết với hộ gia đình trồng rừng tại tỉnh yên Bái… với tổng diện tích rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững khoảng 20.000 ha. Hình thức hợp tác với hộ gia đình trồng rừng thông qua các hợp tác xã nông lâm nghiệp trên địa bàn để vận động người dân có đất rừng tham gia trồng rừng có chứng chỉ FSC; công ty sẽ hỗ trợ, cấp vốn ngay từ ban đầu với lãi suất 0%, để các hộ gia đình trồng rừng có chứng chỉ và sẽ cam kết mua lại toàn bộ sản phẩm sau khai thác; giá bán gỗ có chứng chỉ được hai bên thỏa thuận, xác định cụ thể ngay từ khi ký kết hợp đồng liên kết là sẽ cao hơn giá bán gỗ không có chứng chỉ rừng là 150.000đ/m3, đã giúp cho các doanh nghiệp từng bước giải được những bài toán về kinh doanh và phát triển. Với sự đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của một số thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất và hợp tác với người dân trồng rừng để cung cấp, sử dụng nguyên liệu có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế để thích ứng với yêu cầu của các thị trường. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 732 doanh nghiệp có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững với tổng diện tích 226.500 ha. Để đạt được kết quả này, ngoài vai trò của nhà nước trong ban hành chủ trương, chính sách phát triển rừng trồng gắn với chế biến với sự đồng tình, tham gia tích cực của người dân thì còn có sự đóng góp nhiệt tình của các doanh nghiệp chế biến trong việc liên kết, hợp tác để bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đây là kết quả của quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình để hình thành các khu rừng trồng cung cấp gỗ, giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, và cũng đã tạo điều kiện cho người dân trồng rừng yên tâm về đầu ra sản phẩm, đảm bảo ổn định được giá bán gỗ, từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho người dân trồng rừng.