- Tin Tức

Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh

Thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh đã có chỉ đạo kịp thời đến các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, người dân trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam – Chi nhánh Bình Định, cho biết: Tại cuộc họp của UBND tỉnh vừa qua, đơn vị đã đề xuất thông qua kênh các hiệp hội ngành nghề của tỉnh để nắm bắt tình hình thiệt hại của DN, từ đó sẽ kết nối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhằm có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Theo kết quả báo cáo của Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), trong hơn 2 tháng qua, các DN thuộc FPA Bình Định gần như không nhận được đơn hàng nào mới. Hầu hết các DN duy trì hoạt động nhờ đơn hàng cũ. Không chỉ có vậy, việc thiếu nguyên liệu (gỗ, dăm, sợi vải, nệm…) khiến các DN khó hoàn thành đơn hàng như dự kiến.

Vừa qua, FPA Bình Định đã có một số đề xuất cụ thể về việc gia hạn thời gian trả lãi, trả nợ các gói vay; tạo điều kiện cho vay mới các khoản vay với ưu đãi phù hợp để DN tiếp tục sản xuất khi dịch bệnh được khống chế…  “Để tiếp sức và đồng hành cùng với thành viên, FPA Bình Định thực hiện tốt vai trò kết nối, nhằm cung cấp thông tin, tạo kênh tiếp cận phù hợp cho các DN. Với thông tin từ phía NHNN Việt Nam – Chi nhánh Bình Định, chúng tôi mong nhận được kết nối của hai bên để tạo điều kiện cho các DN vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định, cho biết.

Bên cạnh đó, hầu hết các tổ chức tín dụng, chủ yếu là nhóm ngân hàng thương mại (NHTM), đều đã chủ động thực hiện chỉ đạo từ Hội sở của mình, triển khai các chương trình hỗ trợ, chăm sóc khách hàng. Từ đầu mùa dịch, nhiều NHTM như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP Hồ Chí Minh (HD Bank)… đã miễn, giảm nhiều loại phí cho khách hàng trong một số giao dịch. Ở mỗi địa phương, bên cạnh thực hiện theo đúng quy định chung, một số chi nhánh còn nắm bắt tình hình, kiến nghị, đề xuất một số chính sách linh hoạt, hợp lý, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng địa phương.

Ông Hoàng Thanh Vĩnh, Giám đốc MB Bình Định, cho biết, nhóm khách hàng là DN vừa và nhỏ (nhóm SMEs) là nhóm chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19, thiệt hại nặng nhất, do đó MB Bình Định tập trung khoanh vùng, tổng hợp kết quả báo cáo lên Hội sở và Chi nhánh NHNN Việt Nam trên địa bàn tỉnh để có giải pháp cụ thể. Cùng với đó, MB Bình Định áp dụng các chương trình giao dịch qua app MB để phục vụ khách hàng, tránh việc giao dịch trực tiếp, nhằm phòng tránh việc lây lan của dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Sâm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Định, đặc thù của Hội Doanh nhân trẻ là nhóm SMEs, DN khởi nghiệp…; các DN đều trong thời gian mới vận hành, nhiều  DN khó tiếp cận được với các gói tín dụng hỗ trợ. “Trong điều kiện này, chúng tôi chủ động kết nối với các NHTM, trước mắt là 5 ngân hàng thành viên của Hội Doanh nhân trẻ nhằm có thông tin cụ thể về các gói tín dụng hỗ trợ; đồng thời thông qua kênh thông tin của NHNN Việt Nam – Chi nhánh Bình Định, Hội chủ động kết nối với tổ chức tín dụng, để các thành viên có được nhiều kênh hỗ trợ thiết thực”, ông Sâm cho hay.

Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cho rằng, hỗ trợ các DN trong tình hình dịch bệnh bằng các gói tín dụng ưu đãi là thiết thực, kịp thời nhưng phải thận trọng. Hỗ trợ để cứu DN, vực dậy DN, giúp DN có doanh thu, tạo việc làm, khi đó tín dụng hỗ trợ mới phát huy được mục đích và thu hồi được; trường hợp nhiều DN khó vượt qua, hỗ trợ đi kèm với nợ xấu, việc ngân hàng phải xem xét cẩn trọng là phù hợp.

Tại cuộc họp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của các DN trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 do UBND tỉnh tổ chức vào chiều 19.3, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu NHNN Việt Nam – Chi nhánh tỉnh phải quyết liệt hành động trong công tác chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai sớm chính sách hỗ trợ cho DN; ngành ngân hàng phải thực sự đồng hành cùng DN trong tình hình hết sức khó khăn hiện nay.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành lập tổ công tác của ngành ngân hàng gồm NHNN Việt Nam – Chi nhánh Bình Ðịnh làm tổ trưởng, Sở Công Thương, Sở Tài chính cùng phối hợp để triển khai chương trình hỗ trợ cho DN, người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Tổ công tác trực tiếp làm việc với các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh và các hiệp hội, tổ chức ngành nghề, nắm bắt tình hình, sớm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, NHNN Việt Nam. Tổ công tác phải đôn đốc các tổ chức tín dụng, trường hợp các tổ chức tín dụng không triển khai thì báo cáo UBND tỉnh xem xét.

 

Theo Thu Dịu – Báo Bình Định

About fpabinhdinh

Read All Posts By fpabinhdinh