- Tin Tức

Toạ đàm: Thực trạng và giải pháp cho một số vấn đề cần quan tâm của ngành gỗ Việt

Bình Dương – Chiều ngày 9/8/2024, tại Trung tâm triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã phối hợp với Forest Trends tổ chức Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp cho một số vấn đề cần quan tâm của ngành gỗ Việt”.

Buổi toạ đàm được chia thành hai phiên thảo luận. Phiên 1 tập trung vào hoạt động kiểm khê khí nhà kính trong các doanh nghiệp ngành gỗ. Trong đó, các bài trình bày và nội dung thảo luận chú trọng đến những yêu cầu của Chính phủ Việt Nam và quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính và khuyến cáo cho các doanh gỗ ngành gỗ. Phiên 2 là phần chia sẻ của các hiệp hội và đại diện doanh nghiệp trong việc chuẩn bị đáp ứng yêu cầu của EUDR, và quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC).

Tại phiên thảo luận 1, ba diễn giả là các chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn đo đếm và cắt giảm phát thải, bao gồm ông Nguyễn Phương Nam – Tổng giám đốc Công ty tư vấn KLINOVA,  bà Thái Lê Bảo Ngân – Giám đốc Chuỗi cung ứng Công ty Cổ phần LEANWARES và bà Nguyễn Truyền – chuyên gia độc lập đã giới thiệu về khung pháp lý liên quan đến hoạt động kiểm khê khí nhà kính. Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050 của tại COP26, và ban hành một loạt các nghị định, thông tư liên quan khác để thực hiện cam kết này. Theo đó, việc kiểm kê khí nhà kính sẽ trở thành bắt buộc đối với các doanh nghiệp thuộc 6 lĩnh vực (năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông-lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải) tại Việt Nam.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc nắm bắt thông tin, thu thập dữ liệu, thực hiện đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản và xây dựng chiến lược giảm thiểu khí nhà kính; đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ; tích cực tham gia vào các dự án bù trừ carbon và các sáng kiến hợp tác công nghiệp. Sự phát triển của nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, tuân thủ với các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Việc thực hiện các biện pháp đo đếm và cắt giảm phát thải khí nhà kính không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật mà còn mang lại lợi ích kinh tế thông qua cắt giảm chi phí sản xuất, vận hành, đồng thời nâng cao vị thế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Hiện tại, Forest Trends đang triển khai chương trình hỗ trợ một số doanh nghiệp tiên phong trong ngành gỗ thực hiện các hoạt động này nhằm chia sẻ kinh nghiệm rộng rãi với các doanh nghiệp khác trong thời gian tới.

Trong phiên thảo luận tiếp theo, ông Nguyễn Hoàng Tiệp Phó giám đốc Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO), đã chia sẻ về những điểm tương đồng giữa hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia VFCS/PEFC, PEFC CoC và EUDR về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, EUDR quy định: hàng hóa không được sản xuất từ nguyên liệu gây mất rừng, suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020, quá trình sản xuất phải tuân thủ theo quy định luật pháp của nước sở tại, phải có thông tin tọa độ đối với các lô khai thác và phải có hệ thống thẩm định trách nhiệm để minh chứng việc tuân thủ theo quy định luật pháp của nước sở tại (hợp pháp về đất đai, tư cách pháp nhân, giấy phép sản xuất, bảo vệ môi trường). Trong khi đó, hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia được Bộ NN-PTNT thiết lập năm 2019 trên cơ sở Quyết định số 1288/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, có 2 nhóm tiêu chuẩn chính áp dụng cho sản xuất là tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC và tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC. Do đó, dựa trên điều kiện thực tiễn Việt Nam, sản phẩm gỗ có chứng nhận VFCS/PEFC FM sẽ đáp ứng được một phần yêu cầu hàng hóa sản xuất phải tuân thủ theo quy định luật pháp của nước sở tại theo quy định của EUDR. Do đó, khi thực hiện EUDR các doanh nghiệp cần bổ sung thêm các yêu cầu của EUDR vào trong hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS) đang vận hành là có thể đáp ứng được yêu cầu của EUDR. Hiện tại, PEFC đã bổ sung module “Yêu cầu thực hiện Hệ thống trách nhiệm giải trình của PEFC đối với quy định sản xuất hàng hoá không gây mất rừng” (PEFC EUDR DDS) vào bộ tiêu chí đánh giá.

Về vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng. Theo Cục Phòng vệ thương mại, đối với các lô hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ 4/11/2021-17/7/2024, các doanh nghiệp có 90 ngày để áp dụng Cơ chế tự xác nhận (Certificate Regime) với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Đối với lô hàng, 17/7/2014-31/8/2024, các doanh nghiệp có thể xác nhận sau khi lô hàng đã được chuyển, tuy nhiện việc xác nhận phải tiến hành trước 31/8/2024. Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu tủ gỗ của Việt Nam được loại trừ, không phải nộp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

(https://mkresourcesgovernance.org/2024/08/09/toa-dam-thuc-trang-va-giai-phap-cho-mot-so-van-de-can-quan-tam-cua-nganh-go-viet/)

About fpabinhdinh

Read All Posts By fpabinhdinh