Cảng Tân Cảng Miền Trung chính thức đón tàu Phú Quý 126 của hãng tàu Pacific (Pacific Lines), đánh dấu tuyến vận tải thủy nội địa mới. Sự kiện giúp tăng cường kết nối vận tải bằng đường thủy giữa TP. Hồ Chí Minh, Cam Ranh, Quy Nhơn và Chu Lai, đồng thời giảm áp lực hạ tầng đường bộ, nâng cao hiệu quả logistics và phát triển kinh tế khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Tiềm năng khai thác vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đường thủy nội địa.
Trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực hàng hải và đường thuỷ nội địa luôn có tốc độ tăng trưởng hàng hoá cao, ổn định, kể cả trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vẫn tăng trưởng dương. Cụ thể, vận tải hàng hóa năm 2023 đạt hơn 2.300 triệu tấn, tăng 15,4%; luân chuyển hàng hóa đạt 490 tỷ tấn, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2022. Dù có nhiều lợi thế nhưng hệ thống đường thủy chưa khai thác hiệu quả, theo đó vận tải đường bộ, nhất là về hàng hóa vẫn chiếm chủ yếu, đến 80%.
Trong cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp vào tháng 3/2024, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh cần sớm nâng thị phần vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Mục tiêu đặt ra là vận tải hàng hóa đường thủy phải chiếm ít nhất 50% thị phần, giúp giảm chi phí logistics, tai nạn giao thông, và bảo trì bảo dưỡng đường bộ
Giải pháp phát triển hệ sinh thái cơ sở cảng- logistics đáp ứng kết nối đường thủy nội địa
Là đơn vị tiên phong trong ngành khai thác cảng và logistics, Tân Cảng Sài Gòn luôn đồng hành cùng khách hàng, hãng tàu, trong việc phát triển hệ sinh thái cơ sở hạ tầng cảng, đem đến cho khách hàng giải pháp logistics tối ưu. Nhận thấy tiềm năng và các khó khăn của các doanh nghiệp khu vực Miền Trung và hoạt động kết nối vận tải thủy TCSG đã đưa ra những nhóm giải pháp để góp phần thúc đẩy logistics và kinh tế khu vực.
Với định hướng phát triển bền vững chuỗi dịch vụ trọn gói mang thương hiệu “Tân Cảng” cho khách hàng cả trong và ngoài nước; cùng với hệ thống 28 cơ sở cảng biển, cảng sông, cảng cạn, kho, bãi tại Bắc-Trung- Nam, TCSG cũng đã mở rộng thị trường tại khu vực Miền Trung gồm Cảng Tân Cảng – Miền Trung, Cảng Quốc tế Cam Ranh, các dịch vụ của SNP Logistics.
Trong đó, Cảng Tân Cảng miền Trung tại Bình Định (thuộc KV 8, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) là cảng tổng hợp vừa xếp dỡ hàng rời vừa khai thác hàng container; cầu cảng dài 147 m, đón tàu có chiều dài tối đa 160 m, trọng tải 21.000 DWT. Cảng Tân Cảng miền Trung tại Bình Định đảm nhận việc thu hút hàng hóa các tỉnh khu vực Trung bộ, khu vực Tây Nguyên và nước Lào, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, công ty cũng phát triển các dịch vụ trọn gói trên nền tảng khai thác cảng và dịch vụ logistics… góp phần mang “cảng đến gần với khách hàng”.
Giải pháp hợp tác khai thác tuyến dịch vụ đội tàu nội địa đáp ứng xu hướng thị trường.
Pacific Lines là hãng khai thác container tại thị trường Việt Nam từ năm 2008. Đơn vị hiện sở hữu hơn 22 văn phòng chi nhánh quốc tế và trong nước. Hầu hết tọa lạc tại các nước khu vực Đông Nam Á. Doanh nghiệp cũng là đại diện duy nhất của hãng cho thuê container CAI International LLC và Beacon Intermodal Container Leasing, thuộc quỹ Mitsubishi Hitachi Capital (Nhật Bản). Việc tham gia vào thị trường nội địa của hãng tàu Pacific Lines góp phần nâng cao năng lực vận chuyển nội địa của các công ty hãng tàu Việt Nam.
Ngày 13/8/2024, Cảng Tân Cảng Miền Trung đã chính thức đón tàu Phú Quý 126 trong tuyến dịch vụ nội địa của Pacific Lines chạy định tuyến hàng tuần từ TP. Hồ Chí Minh- Cam Ranh- Quy Nhơn (Tân Cảng Miền Trung)- Chu Lai (Quảng Nam) và ngược lại. Việc khai thác mở tuyến tàu container tại cảng TCMT, hãng tàu Pacific Lines đang muốn thay đổi thói quen của khách hàng, từ vận chuyển đường bộ ở khu vực Bình Định và Tây Nguyên vào TP Hồ Chí Minh xuất tàu sang hình thức vận chuyển đường biển nhằm giảm áp lực hạ tầng đường bộ, tăng tính kết nối hàng hóa tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Sau khi có chuyến adhoc vào ngày 11/07/2024 vừa qua, hãng tàu đã đặt niềm tin và quyết định hợp tác triển khai tuyến dịch vụ và kỳ vọng sẽ giúp kết nối gia tăng thị phần vận chuyển hàng hóa chuyển cảng nội địa bằng đường thủy, cân bằng Rỗng của hãng tàu tại khu vực miền trung cũng như phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển.
Tuyến dịch vụ giúp SNP Logistics nghiên cứu tuyến giải pháp đối với hàng trung chuyển quá cảnh từ các cảng Thaco Chu Lai, Quy Nhơn sang Campuchia dọc theo tuyến thủy nội địa từ Miền Trung – Cảng HCM – Campuchia, hoặc hàng xuất trung chuyển quá cảnh Campuchia – Cái Mép – Vũng Tàu – Quy Nhơn, đây có thể là giải pháp mang lại chi phí tối ưu hơn cho khách hàng đặc biệt là khách hàng hãnh tàu đang có nhu cầu về dịch vụ hàng quá cảnh qua Campuchia. Bên cạnh đó, xây dựng thêm các giải pháp vận chuyển hàng nông sản, trái cây, cao su từ các tỉnh Atapư, Pakse của Lào về khu vực các cảng khu vực Tp HCM sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển bằng việc thực hiện các dịch vụ thủy bộ kết hợp.
Việc đón tàu Phú Quý 126 và mở tuyến dịch vụ nội địa của Pacific Lines tại Cảng Tân Cảng Miền Trung đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc kết nối vận tải thủy giữa các khu vực. Đây không chỉ là nỗ lực của Pacific Lines và Tân Cảng Sài Gòn nhằm nâng cao năng lực vận tải đường thủy nội địa, mà còn là giải pháp chiến lược để giảm áp lực lên hạ tầng đường bộ, tối ưu hóa chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Quốc Khánh (Vietnam Business Forum)