- Tin Tức

Nỗ lực xây dựng thương hiệu “Ðồ gỗ Bình Ðịnh”

Thời gian qua, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, song các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được những kết quả khả quan, tạo tiền đề xây dựng thương hiệu “Ðồ gỗ Bình Ðịnh”.

Nỗ lực vượt khó

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và lâm sản (CBG-LS) xuất khẩu trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là những “rào cản kỹ thuật” do các nước nhập khẩu áp đặt, trong đó có những quy định của chuỗi hành trình sản phẩm FSC-CoC, Hiệp định VPA/FLEGT… Tuy nhiên, đây không chỉ là “rào cản kỹ thuật” mà cũng là cơ hội đối với các DN CBG-LS. Vì vậy, ngoài việc củng cố, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, các DN đã nỗ lực cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn mực, quy định quốc tế… Kết quả, theo thống kê, tháng 8.2017, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành CBG-LS tăng 9% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 4,4%, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 13%.


Ngoài Tổng Công ty Phú Tài, trên địa bàn tỉnh còn có khá nhiều DN CBG-LS có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ, như: Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (đạt 14,282 triệu USD, tăng 40,2%); Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành (gần 8,5 triệu USD, tăng 27,3%); Công ty TNHH Thế Vũ (trên 3,95 triệu USD, tăng gấp 2,25 lần)…Còn theo ông Lê Vỹ, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phú Tài, thời gian qua, cũng như nhiều DN CBG-LS trên địa bàn, hoạt động sản xuất kinh doanh của Phú Tài gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, bên cạnh sắp xếp lại bộ máy nhân sự, dây chuyền sản xuất, Công ty tăng cường kiểm soát các công đoạn chế biến gỗ theo chuẩn mực quốc tế và những quy định về FSC-CoC, Hiệp định VPA/FLEGT… Kết quả, 8 tháng đầu năm 2017, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Tổng công ty Phú Tài đạt gần 15,2 triệu USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Xây dựng thương hiệu “Ðồ gỗ Bình Ðịnh”

Theo ông Lê Minh Thiện, mục tiêu của ngành CBG-LS giai đoạn 2017-2020 là phấn đấu đạt tăng trưởng bình quân hàng năm 5 – 10%; đến năm 2020 đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 450 triệu USD; tăng dần cơ cấu đồ gỗ nội thất đạt khoảng 35 – 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Bình Định. Mục tiêu trọng tâm của FPA Bình Định là quyết tâm xây dựng, phát triển ngành CBG-LS bền vững với thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định”.

Thực hiện mục tiêu trên là không hề đơn giản, bởi theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực CBG-LS, các DN Việt Nam đang phải đối diện với 4 thách thức về nguồn nguyên liệu gỗ, là: Áp lực nguồn cung; chất lượng gỗ rừng trồng trong nước; gỗ có chứng chỉ rừng (FSC, PEFC); nguồn cung cấp gỗ trong tương lai gần.

Ông Lê Minh Thiện cho rằng, trước 4 thách thức trên, FPA Bình Định đã đề ra một số giải pháp nhằm vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa ngành CBG-LS phát triển bền vững, như: Tập trung chuyển đổi và phát triển sản xuất đồ gỗ nội thất theo chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh, tăng năng lực chuyên môn hóa và tự động hóa trong sản xuất. Vận dụng linh hoạt các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và UBND tỉnh để tăng mức độ liên kết và hiệu quả của ngành gỗ với các ngành hỗ trợ (nguyên liệu, máy móc, phụ kiện bao bì, hóa chất, dịch vụ, logistic…), bảo đảm nâng dần vị thế cạnh tranh của ngành gỗ trong chuỗi sản phẩm gỗ và lâm sản toàn cầu. Phát triển hệ thống trách nhiệm giải trình cấp Hiệp hội và tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức, chương trình liên quan. Xây dựng hệ thống dữ liệu ngành gỗ Bình Định, kết nối với một số hiệp hội gỗ trong nước để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của hội viên. Hợp tác thực hiện các dự án xúc tiến thương mại và xuất khẩu đồ gỗ Bình Định cùng các dự án đào tạo, đổi mới công nghệ chế biến gỗ.