- Tin Tức

Ngành sản xuất đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu: Duy trì đà tăng trưởng

Từ đầu năm đến nay, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ở tỉnh ta vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt nhiều kết quả khả quan. Bên cạnh đó, hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết vào cuối tháng 6.2019 đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.

Theo Sở Công Thương, trong năm 2018, xuất khẩu đồ gỗ trên địa bàn tỉnh (chỉ tính gỗ nội thất và ngoại thất) ước thực hiện 254,1 triệu USD, chiếm 31,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh; trong đó xuất khẩu sang thị trường châu Âu đạt 138 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm 2019, KNXK sản phẩm đồ gỗ nội thất và ngoại thất của tỉnh đạt 181,5 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018; KNXK dăm gỗ, viên nén gỗ, ván ép các loại đạt 118,8 triệu USD, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, cho hay: “Chúng tôi đang nỗ lực chuyển đổi hoạt động, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Năm nay, công ty tập trung sản xuất hàng nội thất là chính. 8 tháng đầu năm 2019, KNXK của công ty đạt 20 triệu USD, phấn đấu đến cuối năm đạt 32 triệu USD”.

Việc Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là lợi thế rất lớn đối với DN chế biến, xuất khẩu gỗ. Riêng hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra khá nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU với ưu đãi thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam.

Theo bà Đồng Thị Ánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty PISICO Bình Định, các hiệp định thương mại tự do được ký kết giúp cho các DN chế biến, xuất khẩu đồ gỗ mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Song, để có thể hưởng ưu đãi từ các hiệp định thì DN phải đáp ứng tốt các điều kiện xuất xứ, rào cản kỹ thuật, chất lượng sản phẩm… “Bên cạnh việc chủ động đổi mới công nghệ, hoàn thiện cơ chế quản trị DN, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm các mặt hàng cao cấp, năm 2019, PISICO Bình Định lên kế hoạch tham gia hội chợ triển lãm đồ gỗ Spoga tại Cologne (Đức), hội chợ đồ gỗ quốc tế tại bang North Carolina (Mỹ) để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nhằm nâng cao giá trị KNXK, tăng lợi nhuận, giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động trong công ty”, bà Ánh chia sẻ.

Hiện sản phẩm gỗ nội thất, ngoại thất của Bình Định xuất khẩu qua 83 thị trường các nước ở châu Âu, Mỹ, Australia… Các sản phẩm viên nén gỗ, dăm gỗ, ván ép các loại xuất khẩu qua Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước châu Á khác. Dự kiến nhóm hàng đồ gỗ xuất khẩu ước đạt 280 triệu USD trong năm 2019, chiếm tỷ trọng 32,2% tổng KNXK toàn tỉnh.

Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho biết: Để giúp các DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định và các sở, ngành liên quan hỗ trợ các DN hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng gỗ xuất khẩu nỗ lực đầu tư phát triển; tham gia các chương trình hội nghị, hội thảo để cập nhật thông tin về các thị trường nước ngoài, khu vực và thông tin theo ngành hàng; đăng ký tham gia hội chợ, triển lãm nước ngoài để dễ dàng tiếp cận hơn các thị trường xuất khẩu… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Ðịnh, toàn tỉnh hiện có hơn 170 DN gỗ và lâm sản, tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động. Năm 2019, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Ðịnh dự báo ngành gỗ Bình Ðịnh đạt tổng KNXK đồ gỗ và lâm sản khoảng 450 triệu USD, tăng 6,4% so với năm 2018; trong đó đồ gỗ (tính cả các sản phẩm kim loại, nhựa đan…) đạt 315 triệu USD, tăng 6,7% so với năm 2018.

Theo Đoàn Ngọc Nhuận – Báo Bình Định

About fpabinhdinh

Read All Posts By fpabinhdinh