- Tin Tức

Bình Định: Nhiều khó khăn bủa vây ngành gỗ

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường với tốc độ lây lan nhanh, các doanh nghiệp sản xuất gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Định bắt đầu gặp khó khăn vì thiếu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, buộc tạm hoãn thời gian giao hàng đã ký kết.    

Gián đoạn chuỗi nguyên liệu sản xuất

Bình Định là địa phương có giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ luôn chiếm trên 50% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường với tốc độ lây lan nhanh trên phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ (162 quốc gia), Chính phủ nhiều nước hạn chế di chuyển, đóng cửa biên giới, nhiều nền kinh tế lớn bị thiệt hại nặng nề như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ…  làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa trên toàn thế giới và tác động trực tiếp đến hoạt động SXKD của tỉnh Bình Định.

Theo đại diện Sở Công Thương Bình Định, các doanh nghiệp tập trung hoàn thành các đơn hàng cũ đã ký kết trong năm 2019 và dự kiến kết thúc các đơn hàng cũ vào khoảng tháng 3 – 4/2020 (hiện nay hầu hết các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ xuất khẩu chưa nhận được đơn hàng mới cho năm 2020).

Nói về khó khăn của ngành gỗ hiện tại, trao đổi với PV Báo Công Thương, ông Lê Minh Thiện- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định cho hay, ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đang chịu tác động tiêu cực rất lớn của dịch Covid-19. Ngành gỗ đã, đang và sẽ chịu thiệt hại nặng nề với hậu quả không thể lường hết mặc dù có độ trễ từ 2-3 tháng so với các lĩnh vực du lịch, khách sạn, giao thông vận tải,… nhưng chắc chắn ngành gỗ bị tác động rất nặng và kéo dài trong cả mùa hàng 2020-2021.

“Cũng giống như các ngành may may, giày da, các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ đang bị chao đảo, đóng cửa biên giới, phong tỏa các thành phố lớn, nhu cầu tiêu dùng suy giảm nghiêm trọng,… như tại Hoa Kỳ, EU,  Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Chỉ riêng 5 nước này đã chiếm hơn 90% trong tổng số 11,2 tỉ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2019. Ở trong nước, các ngành du lịch, vận tải bị thiệt hại cũng kéo theo việc hoãn, hủy toàn bộ kế hoạch đi lại, kinh doanh liên quan của khách hàng nước ngoài và trong nước, làm mất cơ hội kinh doanh, làm tăng mạnh chi phí giao dịch của các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”– ông Thiện nêu nguyên nhân.

Một số doanh nghiệp về ngành gỗ tại Bình Định chia sẻ, số đơn hàng cũ trong năm 2019, các doanh nghiệp đã hoàn thành xong, nhưng một số khách hàng đề nghị tạm dừng giao hàng theo đơn hàng đã ký và cũng chậm thanh toán tiền hàng cho doanh nghiệp; đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp cũng như lượng hàng tồn kho lớn do chưa xuất được hàng. Ngoài ra, vào thời điểm này, thường các doanh nghiệp gỗ gần cuối mùa hàng chuẩn bị nghỉ vụ nên hoạt động SXKD có phần tạm lắng. Theo như các năm, trong thời gian nghỉ vụ, các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm đơn hàng mới nhưng hiện nay do tình hình dịch bệnh hầu hết các doanh nghiệp chưa có đơn hàng mới.

Được biết, nguyên liệu sản xuất đồ gỗ chủ yếu sử dụng từ rừng trồng trong nước, số còn lại nhập từ châu Âu, Mỹ, các nước ngoài vùng dịch nên ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các phụ kiện (ray trượt, dây đai, bản lề…), vải sợi, chi tiết kim loại và đơn hàng kết hợp sản phẩm gỗ giữa Việt Nam – Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn. Hiện tại, các nhà máy đồ gỗ ngoài trời đã vào gần cuối mùa hàng. Chi phí vận chuyển đường biển và container tăng cao do gián đoạn lượng cont và tàu nhập hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam và tàu mẹ từ Châu Âu từ chối cập một số cảng Trung Quốc.

Hai mặt hàng ảnh hưởng lớn về kim ngạch xuất khẩu là sản xuất dăm gỗ và sản xuất viên nén gỗ.Cụ thể, đối với dăm gỗ: các nhà máy lớn của Trung Quốc tạm thời ngừng dỡ hàng, 1 số cảng khác của các nhà máy ở Trung Quốc có nhập hàng nhưng tốc độ dỡ hàng chậm, có nhiều tàu hàng chậm lại. Nhiều Công ty đã sản xuất cầm chừng, giảm lượng hàng tồn, tránh bị ép giá… ảnh hưởng đầu ra dăm gỗ của các DN tỉnh Bình Định. Đối với mặt hàng viên nén gỗ: Hàn Quốc, Nhật Bản là 02 thị trường tiêu thụ lớn nhất và vừa trở thành vùng dịch bùng phát nên sẽ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ta trong năm 2020.

Theo đại diện Sở Công Thương Bình Định, nguồn cung cấp các loại hardware, dầu màu, sơn, nhất là nệm gối, vải sợi bắt đầu thiếu do gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến công đoạn hoàn thiện sản phẩm và xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ. Hiện nay gỗ nguyên liệu đã tăng từ 2-3 USD/m3 do khó khăn về logistic, container và tàu biển vận chuyển nhưng các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục mua nguyên liệu vì đang rơi vào mùa khai thác của các nước xuất khẩu gỗ như Urugoay, Brazil…Nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị kịp thì sẽ thiếu hụt nguyên liệu gỗ khi khách hàng bắt đầu giao đơn hàng mới.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định đã đưa ra nhiều giải pháp.

Theo ông Thiện, phía Hiệp hội có trách nhiệm liên tục ghi nhận, cập nhật, phản ảnh tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm cơ sở tổng hợp, kiến nghị đến các cơ quan chức năng trung ương và địa phương, các đối tác, bạn hàng nhằm có giải pháp ứng phó, hỗ trợ kịp thời.

Trước tình trạng hoãn nhận hàng, hủy một phần đơn hàng đang diễn ra phổ biến, Hiệp hội đã khuyến nghị hội viên cần cân đối các đơn hàng chính, cân nhắc tổ chức sản xuất một cách đồng bộ, giao hàng trước hoặc kịp tiến độ để giảm thiểu tình trạng trễ hàng, bị bỏ hàng. Đồng thời, trong trường hợp doanh nghiệp đang chuẩn bị nguyên liệu gỗ, vật tư, phụ kiện… cho mùa hàng mới, thì xem xét tính toán các phương án sản xuất phù hợp, không tập trung tồn kho quá mức để tiết giảm tối đa chi phí tài chính.

Hai mặt hàng ảnh hưởng lớn về kim ngạch xuất khẩu là sản xuất dăm gỗ và sản xuất viên nén gỗ

Được biết, để giảm thiểu khó khăn và thiệt hại mà doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị các cấp chính quyền liên quan xem xét việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các đơn vị xuất khẩu đủ điều kiện; miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ xẻ có nguồn gốc từ gỗ nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ các nước quản trị rừng tốt như EU, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản..; miễn giảm và gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; miễn thuế suất thuế xuất khẩu 2% còn 0% đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.

Theo Thành Long – Báo Nông Nghiệp

About fpabinhdinh

Read All Posts By fpabinhdinh