- Tin Tức

Bình Định: Ngành gỗ và lâm sản họp bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu

Chiều 9/3, trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế đồ gỗ hàng phong cách ngoài trời Quy Nhơn 2024, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Quý I năm 2024. Tại Hội nghị này, các đại biểu đã cùng thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu gỗ Việt Nam 2023, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ trong năm 2024.

Xuất khẩu gỗ, lâm sản sụt giảm

Các số liệu thống kê cho thấy, giá trị xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực của ngành gỗ năm 2023 đều giảm so với 2022, cả ở khối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, trong năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản Việt Nam đạt 14,4 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,1 tỷ USD giảm 17,5%, gỗ đạt 4,3 tỷ USD giảm 12,4%, lâm sản ngoài gỗ đạt 1,0 tỷ USD giảm 7,7 % so với năm 2022.

Thực trạng sụt giảm diễn ra tại khắp các thị trường. Cụ thể, thị trường Hoa Kỳ đạt 7,7 tỷ USD, giảm 14,6%; Trung Quốc đạt 1,8 tỷ USD, giảm 14,5%; Nhật Bản đạt 1,8 tỷ USD, giảm 7,5%; EU 0,4 tỷ USD, giảm 38,2%; Hàn Quốc đạt 0,8 tỷ USD, giảm 18,8% so với năm 2022.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng

Lý giải việc sụt giảm tại những thị trường xuất khẩu này, Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, tại thị trường Hoa Kỳ, do các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu ngày càng chặt chẽ hơn. Bộ Thương mại Mỹ đang sửa đổi, bổ sung tổng cộng 22 nội dung liên quan đến một số quy định trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp bao gồm cả những cách xác định một số trợ cấp mới như bảo hiểm xuất khẩu, xóa nợ, thuế trực tiếp…

Tại thị trường EU, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, Quy chế chống mất rừng của EU sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024. Trong khi đó, quy định về xác định nguồn gốc gỗ của Việt Nam hiện chưa quy định cụ thể. Còn tại Ấn Độ, nước này đã áp dụng tiêu chuẩn đánh giá nhà máy mới, áp dụng vào đầu năm 2024, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt. Tại thị trường Canada, tỷ giá thấp so với USD, khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh và lợi thế thuế quan mà CPTPP mang lại cho hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ mất dần. Thị trường Nhật đã yêu cầu ngày càng cao việc gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này phải có nguồn gốc rõ ràng.

 

Ngoài những nguyên nhân trên, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2023 sụt giảm là do lạm phát tăng cao (trên 8%) tại một số quốc gia xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, Eu, nên chính phủ các nước ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó các sản phẩm chế biến từ gỗ.

Xuất khẩu gỗ Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm trong năm 2023. Ảnh: Thanh Tùng

Mặt khác, xung đột địa chính trị (Nga – Ukraina, Israel – Hamas và các cuộc tấn công của phiến quân Houthi trên Biển Đỏ) diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến chi phí logistic, giá gỗ nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào đều tăng. Trong khi đó, giá dăm gỗ đã giảm từ 195 USD/tấn năm 2022 xuống còn 135 USD/tấn năm 2023; giá viên nén gỗ giảm mạnh từ 180 USD/tấn năm 2022 xuống còn 100 USD/tấn năm 2023. Bên cạnh đó, là những khó khăn trong quá trình thực thi cơ chế, chính sách trong nước, điển hình là việc hoàn thuế giá trị gia tăng gặp nhiều khó khăn, kéo dài, ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn đầu tư vào sản xuất của các doanh nghiệp.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Bước sang năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành gỗ có những thuận lợi nhất định. Điển hình là thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới lớn, khoảng 405 tỷ USD/năm, trong đó nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 230 tỷ USD. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm trên 6% thị phần nhu cầu toàn cầu nên các doanh nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã phê chuẩn và sẽ khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như: đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Việt Nam-EU; Việt Nam- ASEAN; Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Chi Lê, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam-Trung Quốc; Việt Nam -Thái Lan; Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản; Thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ về Khai thác và Thương mại gỗ bất hợp pháp ngày 1/10/2021. Đây là những cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam tiếp tục vươn mạnh ra thị trường thế giới.

Mặt khác, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước được khai thác từ trên 3,93 triệu ha rừng trồng sản xuất có thể cung cấp được trên 30 triệu m3 gỗ/năm cho chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ. Thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu người là thị trường tiềm năng, tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến gỗ nước ta tiếp tục phát triển.

Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời Quy Nhơn 2024 (Q-FAIR 2024) là cơ hội lớn để thúc đẩy quảng bá hình ảnh, thương hiệu hàng gỗ Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng

Năm 2024, Việt Nam đặt ra mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ là trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6 % so với năm 2023. Để đạt được mục tiêu này, ông Triệu Văn Lực cho rằng, ngành gỗ sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. Kiểm soát và quản lý chặt chẽ gỗ nhập khẩu, đảm bảo gỗ có nguồn gốc hợp pháp trước khi chế biến, khuyến khích sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng sản xuất trong nước.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở các khu vực mới có tiềm năng, tổ chức các hội chợ quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm và phát triển của thị trường quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ liên kết với người trồng rừng theo chuỗi sản xuất; trú trọng đầu tư, phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về gỗ, sản phẩm gỗ Việt Nam ra thị trường nước ngoài; đồng thời tuyên truyền, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Ông Đỗ Xuân Lập cho biết, để tăng cường giới thiệu và quảng bá hình ảnh ngành gỗ Việt Nam tới đông đảo đối tác, Hiệp hội và doanh nghiệp ngành gỗ đã tổ chức thành công các hội chợ triển lãm Hawa Expo tại TP. Hồ Chí Minh, BIFAWOOD Việt Nam tại tỉnh Bình Dương và lần đầu tiên có tổ chức Hội chợ cho ngành hàng ngoài trời tại Hội chợ Q-FAIR tại TP. Quy Nhơn. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ đồ gỗ lớn trên thế giới, các hội thảo, hội nghị trong nước cũng như nước ngoài. Phối hợp với các thương vụ tại các nước để quảng bá hình ảnh ngành gỗ Việt gắn liền với nguồn nguyên liệu sạch, nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, bền vững và hướng tới xây dựng hình ảnh ngành gỗ gắn liền với cam kết giảm thải khí nhà kính.

Nhằm gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp gỗ, ông Đỗ Xuân Lập đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các cơ quan chức năng quan tâm, cho phép doanh nghiệp được hoãn nộp đóng bảo hiểm xã hội và không tính lãi chậm nộp. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp là nhà đầu tư thứ cấp trong khu, cụm công nghiệp được thế chấp quyền sử dụng đất làm tài sản đảm bảo tại các ngân hàng thương mại, thông qua việc thay đổi nội dung ghi trong mục “g” điều II trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là: “g) Nguồn gốc sử dụng: Thuê đất và hạ tầng trả tiền một lần của Công ty…” theo đúng thực tế doanh nghiệp thuê đất (hạ tầng) trong khu, cụm công nghiệp đã phải trả một lần cho cả thời hạn 50 năm.

Mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới, thứ hai châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đã được mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Thanh Tùng – Báo Tài Nguyên & Môi Trường

About fpabinhdinh

Read All Posts By fpabinhdinh