- Tin Tức

Bình Định đẩy mạnh ngành chế biến gỗ

Tính từ năm 2000 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt gần 2,3 tỷ USD.

 

Nhà máy chế biến gỗ ở KCN Phú Tài. Ảnh VGP/Tuyết Minh

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 170 doanh nghiệp hoạt động chế biến gỗ và lâm sản với năng lực sản xuất hằng năm khoảng 350.000m3 gỗ tinh chế và gần 1,5 triệu tấn gỗ dăm khô, tập trung phần lớn tại các KCN Phú Tài, Long Mỹ, nối liền Cảng biển quốc tế Quy Nhơn.

Ngành hàng chủ lực

Hiện nay, đồ gỗ Bình Định xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu (chiếm 85%), châu Đại Dương (7%), Bắc Mỹ (5%), châu Á (3%). Các khách hàng lớn của đồ gỗ Bình Định gồm: Metro, Walmart, Carrefour, B&Q, Kingfisher, Scancom…

Các doanh nghiệp gỗ Bình Định đang sử dụng công nghệ chế biến gỗ mức trung bình, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và áp dụng nhiều quy trình được chứng nhận như Chuỗi hành trình CoC FSC, VFTN, BSCI, BRC… đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt, chất lượng đồng bộ, thời gian giao hàng nhanh, kiểu dáng mẫu mã hợp thị hiếu.

Trước đây, mỗi năm đồ gỗ Bình Định đóng góp gần 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, còn thời gian gần đây, tỷ trọng chỉ còn chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, chế biến gỗ vẫn là ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Chuyển hướng sản xuất

Để khắc phục tính thời vụ và nhu cầu tiêu dùng bị bão hòa với xu hướng ngày càng giảm của đồ gỗ ngoài trời, ngành gỗ tỉnh Bình Định đặt trọng tâm vào công tác chuyển đổi sản xuất từ đồ gỗ sân vườn-ngoài trời sang sản xuất đồ gỗ nội thất theo chính sách của UBND tỉnh.

Hướng đi đúng đó đã tạo cho ngành chế biến gỗ của Bình Định tiếp tục trụ vững trong bối cảnh tình hình kinh tế suy thoái của thế giới.

Riêng về nguồn nguyên liệu, hiện toàn tỉnh Bình Định có tổng diện tích rừng trồng gần 101.000 ha; diện tích hằng năm đưa vào khai thác khoảng 10.000-12.000 ha, với sản lượng 700.000m3-750.000m3 gỗ nguyên liệu/năm. Trong đó, phục vụ cho ngành chế biến gỗ chiếm khoảng 10%; cho ngành chế biến dăm nguyên liệu giấy chiếm từ 80-85%; cho nhu cầu sử dụng khác chiếm 5-10%.

Với mục tiêu đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến gỗ, tỉnh Bình Định đang hướng các doanh nghiệp vào mục tiêu đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ; đi đôi với việc cải tạo và phát triển rừng trồng cùng các chính sách ưu tiên khác, nhằm nâng kim ngạch xuất khẩu trong những năm tới.