Với những thuận lợi về mặt thị trường, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2020 dự kiến có thể đạt 12,5 – 13 tỷ USD.
Những tác động của đại dịch Covid-19 khiến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đã lấy được đà tăng trưởng ngay sau khi dịch bệnh từng bước được khống chế, trở thành một trong số ít mặt hàng nông sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương.
Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tháng 9/2020 đạt 1,131 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 9 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định, với tốc độ tăng trưởng 12-15%, nếu không có gì đặc biệt, xuất khẩu gỗ năm 2020 có thể cán đích 13 tỷ USD, vượt chỉ tiêu khoảng 1 tỷ USD so với kế hoạch của Chính phủ yêu cầu trong năm nay.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng lưu ý các doanh nghiệp, nhà máy không chủ quan với dịch Covid-19, cần đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch một cách tốt nhất. Đồng thời, cần siết chặt vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ, đảm bảo yếu tố minh bạch, hợp pháp.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), trong quý II, do ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, hàng chục nghìn lao động phải tạm ngưng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số nguồn tin dự báo ngành có tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, đầu từ tháng 6.2020, ngành gỗ đã tăng trưởng trở lại hai con số. Theo ông Lập, bên cạnh các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, cũng có những chuỗi cung ứng hoàn toàn không bị đứt gãy, thậm chí còn phát triển hơn trước giai đoạn đại dịch như mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, ván trang trí…
Giai đoạn tới đây, Việt Nam cần định rõ ràng sản phẩm chiến lược và thị trường chiến lược để làm bệ đỡ cho sự phát triển bức phá của ngành gỗ, ông Lập nêu rõ.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN