Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong số 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ của 5 tháng đầu năm 2019, có tới 21 dự án của Trung Quốc, tương đương 43% tổng vốn FDI đầu tư vào ngành gỗ.
Tại hội thảo “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đối với ngành gỗ Việt” diễn ra mới đây, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends, cho biết đầu tư của Trung Quốc trong 5 tháng đầu 2019 chủ yếu tập trung vào mảng chế biến gỗ (16 dự án) và ván gỗ tạp (4 dự án).
Theo ông này, hiện các dự án FDI của Trung Quốc với số vốn 50 triệu USD đã được đăng ký đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam trong 5 tháng đầu 2019, cao hơn gần 1,7 lần vốn đăng ký của họ cùng kỳ năm trước.
Ông Phúc cho hay, nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng về các dự án với quy mô nhỏ của Trung Quốc trong ngành gỗ có thể do Mỹ đánh thuế với hàng Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc mở nhà máy nhỏ tại Việt Nam nhằm tranh thủ lợi thế về xuất xứ. Tuy nhiên, rủi ro xảy ra nếu các DN này nhập các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc, sơ chế tại các nhà máy ở Việt Nam, sau đó xuất sang Mỹ nhằm né thuế.
Các dự án mới từ Đài Loan cũng có quy mô rất nhỏ. Có thể đây là các dự án từ các công ty của Đài Loan đã có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số DN từ Hồng Kông có tăng đột biến về quy mô vốn.
Báo cáo “Đầu tư và chuyển dịch đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam thời gian vừa qua” của Tổ chức Forest Trends phân tích: Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc vào Việt Nam bao gồm gỗ dán, đồ nội thất và ván lạng.
“Năm 2018, giá trị nhập khẩu của 3 nhóm mặt hàng trên lên tới 80% tổng kim ngạch giá trị nhập khẩu tất cả các mặt hàng gỗ từ quốc gia này”, báo cáo của Tổ chức Forest Trends nêu rõ.
Cũng theo ông Phúc: “Hiện chưa có đánh giá về rủi ro gỗ Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, có một số công ty của Trung Quốc tại Việt Nam có nhập gỗ từ Trung Quốc sau đó xuất vào thị trường Mỹ với nhãn mác sản phẩm Việt”.
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, VCCI nói: Số lượng DN mới xuất khẩu mặt hàng gỗ ván ép vào Hoa Kỳ đang tăng nhanh chóng. Năm 2017, tổng số doanh nghiệp là 29, năm 2018 lên 49.
Đại diện VCCI lo ngại: “Nếu doanh nghiệp không tuân thủ tốt quy định về quy tắc xuất xứ sẽ rất nguy hiểm, có thể dễ bị đối tác nước ngoài lợi dụng để trà trộn xuất xứ hàng hóa, hiểm hoạ lớn cho hàng Việt và doanh nghiệp Việt”.
Ông Tô Xuân Phúc kiến nghị các cơ quan quản lý cần có đánh giá tổng thể về các loại hình rủi ro trong cả các dự án đầu tư FDI và trong các sản phẩm xuất khẩu.
Đặc biệt, ông này cho rằng cần có các đánh giá tình trạng thực tế về các doanh nghiệp Trung Quốc thuê máy móc, thiết bị, nhà xưởng và nhân công của Việt Nam để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Theo An Linh – Báo Dân Trí