Ngày 19/10/2018, Chính phủ Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Các cam kết trong Hiệp định VPA/FLEGT nhằm bảo đảm cải thiện quản trị rừng, qua đó tất cả gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác đều được sản xuất và buôn bán hợp pháp.
Chính phủ Việt Nam cam kết nội luật hóa nội dung của Hiệp định VPA/FLEGT nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ, sản phẩm gỗ trong quá trình khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán, xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ thông qua việc xây dựng và thực hiện Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngày 15/11/2017, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Lâm nghiệp có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019. Luật Lâm nghiệp năm 2017, có nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã thay đổi so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.
Trong đó, Điều 69 Luật Lâm nghiệp giao Chính phủ xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; ban hành tiêu chí, thẩm quyền, quy trình, thủ tục phân loại doanh nghiệp khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ.
Để thực hiện những việc đó, Nghị định quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam cho phù hợp với Luật Lâm nghiệp và Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản đang được Bộ NN-PTNT xây dựng và lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân.
Việc xây dựng Nghị định nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về pháp luật Lâm nghiệp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về Lâm nghiệp và thực thi có hiệu quả những quy định của Luật Lâm nghiệp mới ban hành; Tạo khung pháp lý để bảo đảm gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam được khai thác, nhập khẩu, mua bán, chế biến, xuất khẩu hợp pháp và từ đó, thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ; đồng thời hài hòa hoá với các quy định của các Hiệp ước quốc tế, thoả thuận song phương mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết.
Đặc biệt, nội dung quy định về cấp giấy phép FLEGT cũng được quy định tại Nghị định này. Theo đó, dự thảo nêu rõ Giấy phép CITES được cấp cho lô hàng gỗ xuất khẩu vào thị trường EU, có thể được cấp theo hình thức giấy phép điện tử hoặc giấy phép giấy. Lô gỗ đã được cấp giấy phép CITES thì miễn trờ cấp giấy phép FLEGT. Cơ quan cấp giấy phép FLEGT dự kiến sẽ là Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam. Dự kiến Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng một hệ thống cấp giấy phép FLEGT kết nối với một cửa quốc gia.
Dự thảo Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam sẽ được lấy ý kiến đóng góp từ nay đến ngày 31/8/2019 để tiếp tục hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền ban hành.
Hoài Thương – Báo Nông Nghiệp