Năm 2019 xuất khẩu lâm sản đạt 11,31 tỉ USD vượt mục tiêu đề ra, khi ngành tận dụng tốt cơ hội và lợi thế từ các Hiệp định thương mại,…. Và mục tiêu của ngành gỗ là tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong năm 2020, để hướng tới những mục tiêu xa hơn do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho ngành gỗ. Nhằm cung cấp những thông tin, định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị đã có cuộc trò chuyện với Tạp chí Gỗ Việt về những cơ hội và thách thức của ngành gỗ Việt Nam nhân dịp đón Xuân Canh Tý.
Thưa ông, theo ông đánh giá, kim ngạch xuất khẩu 11,31 tỉ USD trong năm 2019 có tác động như thế nào cho các mục tiêu của ngành gỗ trong năm 2020?
Ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp
Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị: Năm 2019, được sự quan tâm, động viên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bằng việc ngay từ đầu năm Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Diễn đàn Ngành công nghiệp c h ế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu – thành công, bài học kinh nghiệm và giải pháp bứt phá; cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản. Đồng thời, đã có sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, sự chung tay góp sức của Hiệp hội gỗ và lâm sản trung ương và địa phương nên kết quả trong năm 2019 kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản đã đạt 11,31 tỉ USD, tăng trên 1,8 tỷ USD, tương ứng gần 7% so với kế hoạch năm và tăng 20,6 % so với năm 2018. Kết quả này đã đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành lâm nghiệp năm 2019 đạt 5%. Mức tăng trưởng này cực kỳ có ý nghĩa trong bối cảnh toàn ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,2% và một số ngành trong lĩnh vực nông nghiệp thậm chí còn tăng trưởng âm. Giá trị xuất khẩu đạt 11,31 tỷ USD xuất khẩu đã mang lại giá trị, lợi ích cơ bản cho người trồng rừng và người lao động trong ngành gỗ. Với giá trị như vậy, đã làm cho 1.600 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và gần nửa triệu lao động trong lĩnh vực này được hưởng lợi, có công ăn việc làm, ổn định thu nhập. Ngành phát triển cũng kéo theo một loạt các ngành khác phát triển. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ và có vai trò rất quan trọng của ngành, là động lực để ngành tiếp tục tăng trưởng ổn định, bền vững trong thời gian tới. Với dư địa phát triển và tăng trưởng còn nhiều, đồng thời tận dụng tốt những cơ hội, những ưu thế, ngành công nghiệp chế biến gỗ sẽ tăng giá trị xuất khẩu lên tới 12,5 tỉ USD năm 2020, tăng khoảng trên 11% so với 2019. Và chúng tôi tự tin là cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, chúng ta sẽ đạt được chỉ tiêu này.
Nhiều chuyên gia nhận xét, dư địa phát triển trong năm 2020 là rất nhiều khi ngành gỗ có lợi thế từ việc triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, theo ông, chúng ta cần làm gì để tận dụng hết lợi thế này?
Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị: Năm 2020, theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như: Việt Nam- ASEAN; Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Chi Lê, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Trung Quốc; Việt Nam -Thái Lan, Việt Nam – EU và Hiệp định Đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP), các quốc gia thành viên sẽ cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, trong đó có sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sẽ là cơ hội thuận lợi để ngành gỗ phát triển. Để tận dụng tốt cơ hội này, chúng tôi cho rằng, trước hết là sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành địa phương trong việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; tạo cơ chế thông thoáng trong sản xuất, lưu thông sản phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản. Không để những hoạt động này ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành. Các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ để nắm bắt được nội dung, qui định của các Hiệp định song phương, đa phương để tuân thủ trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu kỹ các thị trường, phát huy được những tiềm năng, lợi thế của mình để phát triển mở rộng sản xuất các sản phẩm có thế mạnh, có sức cạnh tranh cao. Và cuối cùng là tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng với các Bộ, ngành trong việc chia sẻ thông tin, hợp tác đầu tư, kinh doanh, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Theo ông, trong năm nay, làm thế nào để ngành gỗ vừa đảm bảo được mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu, vừa triển khai được các chiến dịch quảng bá thương hiệu, đồng thời tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu,… từ đó đưa Việt Nam trở thành trung tâm lớn của ngành gỗ thế giới như Thủ tướng đặt ra?
Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị: Để ngành gỗ vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa triển khai được hiệu quả các chiến dịch quảng bá thương hiệu, đồng thời tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu nhằm được mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành trung tâm lớn của ngành gỗ thế giới thì ngành công nghiệp chế biến gỗ cần tiếp tục duy trì sự tăng trưởng tại các thị trường truyền thống, đặc biệt là các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc. Ngoài ra cần nghiên cứu, mở rộng các thị trường tiềm năng như tại các quốc gia đã tham gia Hiệp định song phương và đa phương và một số thị trường khác như Nga, Canada… Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, phối hợp, sử dụng hiệu quả nguồn vốn xúc tiến của các Bộ, ngành, địa phương và của doanh nghiệp. Đã đến lúc, chúng ta cần phải xây dựng một chương trình xúc tiến thương mại cụ thể, bài bản, có sự trao đổi và thống nhất giữa các doanh nghiệp, các hiệp hội với các Bộ ngành để đảm bảo việc thực hiện đúng mục tiêu, đạt hiệu quả. Sử dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại trong sản xuất, chế biến các sản phẩm; đồng thời, nâng cao hiệu quả trong ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhà nước ngoài việc tạo môi trường phát triển, canh tranh lành mạnh cũng cần nghiên cứu, có những cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản phát triển. Ví dụ như chính sách về phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm; chính sách ưu đãi về vốn, đất đai để phát triển, mở rộng sản xuất; và chính sách phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao… Tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng nhằm cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; tiếp tục nhân rộng các mô hình hợp tác hiệu quả, bền vững giữa người trồng rừng với các doanh nghiệp chế biến gỗ, nhằm chủ động được nguồn nguyên liệu, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, chế biến;
Bên cạnh những thuận lợi, năm 2020 chắc chắn sẽ là một năm đầy thách thức với ngành gỗ, trong đó, đối mặt với tình trạng dịch chuyển sản xuất từ các nước khác vào Việt Nam, theo Tổng cục trưởng, ngành gỗ cần phải làm gì để tăng sức cạnh tranh trong hoàn cảnh này?
Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị: Để tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh có nhiều thách thức, đặc biệt là sự chuyển dịch sản xuất từ nước khác vào Việt Nam, thì các Bộ, ngành, địa phương cần có sự cân nhắc kỹ, để lựa chọn được các dự án FDI có trình độ công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; các dự án sản xuất, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sản xuất các sản phẩm đồ gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng phải quan tâm, từng bước đổi mới trình độ trình độ công nghệ sản xuất, nâng cao trình độ quản trị, xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp phù hợp để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cảm ơn Tổng cục trưởng về cuộc trò chuyện này!
Theo CÔNG DANH – GV119