- Tin Tức

Tình hình xuất – nhập khẩu gỗ và sản phẩm tính đến trung tuần tháng 7/2019

Vinanet -Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ ngày 1/7 đến 15/7/2019 đạt 398,5 triệu USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 287,2 triệu USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2019, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dạt 5,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,7 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Về nhập khẩu, số liệu từ TCHQ cho thấy, trị giá nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ ngày 1/7 đến 15/7/2019 đạt 102,9 triệu USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2019, trị giá nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất lâm nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 ổn định, tập trung chủ yếu vào công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và khai thác gỗ từ diện tích rừng đến kỳ khai thác. Trong quý 2/2019, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 78,1 nghìn ha, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2018; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 18,7 triệu cây, giảm 6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4.316 nghìn m3, tăng 4,3%; sản lượng củi khai thác đạt 5,3 triệu ste, giảm 1,9%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 110 nghìn ha, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 34,4 triệu cây, giảm 3,2% do nguồn kinh phí trồng rừng năm nay thấp và một số diện tích rừng đã khai thác chuyển đổi sang cây lâu năm.

Khai thác gỗ và lâm sản trong 6 tháng đầu năm 2019 tại các địa phương tăng trưởng khá, giá thu mua gỗ ổn định do nhu cầu tiêu thụ làm nguyên liệu sản phẩm gỗ tăng. Sản lượng gỗ khai thác đạt 7.030 nghìn m3, tăng 4,4%.

Diện tích rừng bị thiệt hại quý 2/2019 là 523 ha, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó diện tích rừng bị cháy là 326,6 ha, tăng 59,3%; diện tích rừng bị chặt, phá là 196,4 ha, tăng 10,3%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có 685,4 ha rừng bị thiệt hại, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 402 ha, tăng 81,2%; diện tích rừng bị chặt phá là 283,4 ha, tăng 1,2%.

Đứng đầu thế giới về xuất khẩu dăm gỗ nhưng Việt Nam lại không được ở thế làm chủ thị trường khi chịu sự chi phối quá lớn từ Trung Quốc. Việt Nam là quốc gia cung trên dưới 30% tổng lượng cung dăm toàn cầu. Về lý thuyết, Việt Nam có sức mạnh định hình thị trường thế giới. Tuy nhiên, đến nay ngành dăm của Việt Nam hoàn toàn chưa tạo được vị thế này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2009, Việt Nam có 47 nhà máy dăm với lượng dăm xuất khẩu đạt khoảng 2,3 triệu tấn khô. Đến 2014, con số này tăng lên 130 nhà máy với lượng dăm xuất khẩu đạt 7 triệu tấn khô. Năm 2018, lượng dăm xuất khẩu đạt kỷ lục gần 10,4 triệu tấn khô, trị giá 1,34 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vọt lên gần 4 triệu tấn, tương đương gần 0,56 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dăm lớn nhất trên thế giới.

TS Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) cho biết, hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu dăm lớn nhất thế giới, chiếm trên dưới 30% tổng cung dăm toàn cầu. Cung dăm từ Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với lượng nhập hàng năm lên tới 60-70% tổng lượng dăm của Việt Nam xuất khẩu đi tất cả các thị trường. Các thị trường lớn tiếp theo của Việt Nam bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc.

Mặc dù là nước đứng đầu thế giới về cung dăm gỗ ra thị trường nhưng ngành dăm Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để định hình thị trường tiêu thụ dăm thế giới mà vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể, tại Trung Quốc, dăm gỗ Việt Nam không cạnh tranh được với dăm gỗ của các nước khác về mức giá.

Nguyên nhân là do chất lượng dăm của Việt Nam kém hơn chất lượng dăm của các nước. Hiện tượng lẫn tạp chất, độ ẩm cao, ẩm mốc, hàm lượng xenluloza thấp trong dăm gỗ Việt Nam tương đối phổ biến. Bên cạnh đó, ngành dăm phát triển nóng, mất kiểm soát dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá xuất khẩu xuống.

Theo thông tin chia sẻ từ một số doanh nghiệp, ngành dăm gỗ có hiện tượng làm giá bởi các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. Các công ty dăm Trung Quốc sang mua lại các công ty dăm của Việt Nam, thuê quản lý người Việt, những người có nhiều kinh nghiệm trong ngành trước đó. Họ phối hợp với nhau, dìm giá bán.

Trong khi đó, tính liên kết giữa các doanh nghiệp dăm của Việt Nam còn lỏng lẻo khiến ngành dăm gỗ Việt Nam dù cung một lượng lớn nhất cho thế giới nhưng vẫn tham gia thị trường thế giới với vị thế bị động chứ chưa phải chủ động, ông Phúc cho biết.

Ngoài các vấn đề nêu trên, câu chuyện rất đáng quan tâm của ngành dăm hiện nay chính là tăng thuế xuất khẩu. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách nhằm hạn chế XK dăm gỗ, tăng cường chế biến sâu. Một trong những biện pháp cơ bản là áp dụng tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ lên 2% kể từ năm 2016.

Hiện, Bộ Tài chính đang tiến hành tham vấn với các bộ, ngành liên quan và cân nhắc trình Chính phủ kế hoạch tăng thuế xuất khẩu dăm từ 2% hiện nay lên 5%. Mức thuế cao, được kỳ vọng sẽ khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, tạo nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến đồ gỗ, từ đó mang lại lợi ích cao hơn của cả hộ trồng rừng lẫn ngành đồ gỗ.

Trên thế giới, Chính phủ Ghana đã ban lệnh cấm hoàn toàn việc khai thác, chế biến và xuất khẩu gỗ hồng mộc vào đầu tháng 4/2019. Bộ Đất đai và Tài nguyên cũng đã chỉ đạo Ủy ban Lâm nghiệp ngừng xử lý giấy phép xuất khẩu gỗ hồng mộc, và chỉ cho phép các sản phẩm gỗ tròn đã có sẵn trong kho để xuất khẩu. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Đất đai cho biết, lệnh cấm nhằm loại bỏ các hoạt động bất hợp pháp gây nguy hiểm cho loại này, đặc biệt là phía bắc Ghana. Việc chặt hạ gỗ hồng mộc bất hợp pháp đã trở thành mối đe dọa cho môi trường và kêu gọi người dân tố cáo bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào. Năm 2014, mặc dù việc xuất khẩu gỗ hồng mộc đã bị cấm nhưng sau đó, một số công ty tiếp tục xuất khẩu gỗ đã khai thác trước đó và việc tương tự thế này đã bị lạm dụng cho đến bây giờ.

Sản xuất gỗ dán của Malsyaia đang đối mặt với nhiều khó khăn do nguồn cung gỗ giảm và chi phí tăng. Do thiếu hụt gỗ nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng nên một số nhà máy sản xuất gỗ dán, kể cả các nhà sản xuất lớn ở bang Sarawak đã cắt giảm sản xuất, một số nhà sản xuất khác đang cân nhắc việc đóng cửa. Kể từ tháng 7/2017, bang Sarawak dã tăng “phí bảo hiểm” lên 50 RM/m3 (tương đương 12,2 USD/m2) cho tất cả các loại gỗ từ rừng đồi, cũng như các loại gỗ tròn từ các đồi chuyển đổi đất nông nghiệp. Trước đây phí bảo hiểm là ,8 RM/m3 (tương đương 0,19 USD/m3). Sự gia tăng phí bảo hiểm đã làm tăng chi phí giá gỗ tròn và các sản phẩm gỗ khoảng 110 RM/m3 (tương đương với 26,8 USD/m3). Vì vậy, bang Sarawak cho phép các nhà máy gỗ dán nhập khẩu gỗ tròn.(Tỷ giá 1 USD = 4,11 RM)

Trong tháng 5/2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (trừ giấy và bột giấy) của Braxin đạt 272,6 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu gỗ thông đạt 233,3 nghìn 3, trị giá 47,4 triệu USD, tăng 29% về lượng và tăng 24% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; Xuất khẩu gỗ xẻ nhiệt đới đạt 51,9 nghìn m3, trị giá 20,9 triệu USD, tăng 63,2% về lượng và tăng 49,3% về trị giá; xuất khẩu gỗ thông dán đạt 180,9 nghìn m3, trị giá 47,2 triệu USD, tăng 37% về lượng và tăng 4,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; xuất khẩu gỗ dán nhiệt đới tháng 5/2019 đạt 9 nghìn m3, trị giá 3,5 triệu USD, giảm 6,3% về lượng và giảm 16,7% về trị giá.

Trong khi đó, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Braxin tháng 5/2019 tăng mạnh, đạt 47,8 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguồn: VITIC/Nông nghiệp Việt Nam, Cục XNK (Bộ Công Thương)

About fpabinhdinh

Read All Posts By fpabinhdinh