Tham dự buổi làm việc có ông Hồ Ngọc Hùng – Phó Gám đốc Sở NNPTNT Bình Định cùng lãnh đạo Hiệp hội và Giám đốc các đơn vị tham gia chương trình khảo sát.
Đại diện tổ chức GTZ, ông Heiko Woerner – Cố vấn trưởng hợp phần Chương trình lâm nghiệp Việt – Đức, đã trình bày báo cáo nghiên cứu tiềm năng thực hiện chương trình cơ chế phát triển sạch trong ngành chế biến gỗ tại Bình Định.
Theo kết quả khảo sát ban đầu cho thấy, với trên 120 doanh nghiệp chế biến gỗ tại Bình Định và hàng năm tiêu thụ khoảng 800 ngàn m3 gỗ tròn nguyên liệu và có khỏang 500 ngàn m3 gỗ phế thải (mùn cưa, bìa bắp, đầu mẩu gỗ, dăm bào) /năm. Các loại phế thải này chủ yếu dùng để đốt lò sấy gỗ và bán cho các xưởng sản xuất gạch ngói tại địa phương nên hiệu quả mang lại rất thấp.
Qua kết quả khảo sát nhóm nghiên cứu đề xuất sử dụng Công nghệ đồng phát nhiệt điện nhằm sử dụng nguồn gỗ phế liệu một cách hiệu quả nhất. Với công nghệ này, ngành chế biến gỗ có thể tự chủ về năng lượng và có thể bán một phần năng lượng dư cho lưới điện quốc gia, bên cạnh đó nguồn nhiệt dư thừa được dùng để sấy gỗ cho các doanh nghiệp. Theo cách này, hiệu quả sử dụng nguồn phế liệu có thể đạt đến mức 80%. Ngoài ra, việc phát điện từ phế thải gỗ còn được chứng nhận CER theo Nghị định thư Kyoto về giảm phát thải khí nhà kính và với mức giá bán hiện nay khỏang 10EUR/tấn CO2 sẽ tạo nguồn doanh thu rất lớn bổ sung cho dự án này.
Ngoài dự án trên, FPA Binhdinh và GTZ cùng trao đổi về một số chương trình hợp tác, hỗ trợ giữa hai bên trong thời gian đến. Hai bên nhất trí sẽ tổ chức khóa đào tạo về ván lạng sử dụng trong hàng nội thất trong tháng 11/2009 và hỗ trợ các khóa huấn luyện khác trong thời gian đến.
Nguồn: VPHH