- Tin Tức

Phải minh bạch hóa nguyên liệu gỗ chế biến

Các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam cần đồng tâm để vượt qua những rào cản thương mại khi Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh xuất khẩu sản phẩm gỗ.

Tính đến 15/3, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 2,95 tỷ USD, tăng 39,8% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hiện ngành gỗ Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phía trước cần tháo gỡ để khẳng định với thị trường quốc tế về sự minh bạch của sản phẩm tham gia xuất khẩu.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, Chính phủ cùng Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao đã triển khai nhiều hoạt động nhằm ứng phó với những cáo buộc của Hoa Kỳ, thị trường tiêu thụ 50% sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Tuy nhiên, để hình ảnh gỗ Việt không còn “vết gợn” trên trường quốc tế, cộng đồng các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam cần đồng tâm để vượt qua những rào cản thương mại khi Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh xuất khẩu sản phẩm gỗ.

Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, ngày 2/10/2020, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) khởi xướng điều tra mục 301 của Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ về việc Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp.

Cáo buộc của USTR đối với ngành gỗ cho rằng, Việt Nam nhập khẩu gỗ bất hợp pháp khai thác từ các khu bảo tồn của Campuchia, vi phạm luật pháp của Campuchia và Việt Nam; nhập khẩu gỗ bất hợp pháp từ Cameroon và Cộng hòa Dân chủ Công Gô; ngầm duy trì buôn bán gỗ bất hợp pháp qua biên giới và không thực thi nghiêm pháp luật về nhập khẩu và chế biến gỗ, nhất là các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp, sử dụng nhiều gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa…!?

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trước cáo buộc nói trên của Hoa Kỳ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã đề nghị Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương khẩn thiết giao tiếp với Bộ Lâm nghiệp và Động vật hoang dã Cameroon ký kết Thỏa thuận hoặc Bản ghi nhớ về tăng cường phối hợp kiểm soát xuất nhập khẩu gỗ để đảm bảo thương mại gỗ hợp pháp giữa 2 quốc gia.

Đồng thời, tiếp xúc với các cơ quan hữu quan của Campuchia để đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn buôn bán gỗ bất hợp pháp qua biên giới, đặc biệt là minh bạch thủ tục cấp phép xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ Campuchia.

Các doanh nghiệp ngành gỗ phải chung tay xây dựng nền công nghiệp sản xuất đồ gỗ tiêu thụ nội địa phải sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bên cạnh đó, rà soát hoạt động cấp phép CITES của Văn phòng CITES Việt Nam và ra thông báo về việc minh bạch hóa thủ tục cấp phép xuất nhập khẩu các loài gỗ quý hiếm theo quy định của CITES, ngăn ngừa những suy đoán bất lợi cho ngành gỗ Việt Nam.

Song song đó, có chính sách mua sắm công và phát triển thị trường gỗ nội địa theo hướng khuyến khích thay thế sử dụng nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng tự nhiên sang gỗ rừng trồng, đảm bảo quản lý rừng và phát triển công nghiệp gỗ bền vững, có trách nhiệm…

Một thách thức khác mà ngành gỗ Việt đang đối mặt, đó là xung đột thương mại Mỹ – Trung làm cho gỗ dán sản xuất từ các loại gỗ cứng, tủ bếp, tủ buồng tắm và một số sản phẩm gỗ khác của Trung Quốc không thể xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Mỹ. Trong bối cảnh này, Việt Nam trở thành nơi dịch chuyển công nghiệp gỗ từ Trung Quốc, đối diện nguy cơ cáo buộc gian lận thương mại.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay: Từ tháng 2/2020, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra gỗ dán của doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu từ Việt Nam để lẩn tránh thuế chống bán phá giá và trợ cấp sản xuất.

Trong tháng 3/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu trên 60 doanh nghiệp gỗ dán của Việt Nam giải trình nhiều câu hỏi liên quan đến xuất khẩu gỗ dán vào thị trường nước này. Các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp, tủ buồng tắm và nhiều loại đồ gỗ nội, ngoại thất của Việt Nam cũng có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ bị thị trường Hoa Kỳ “soi” như với gỗ dán.

Các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp, tủ buồng tắm và nhiều loại đồ gỗ nội, ngoại thất cũng có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị thị trường Hoa Kỳ “soi” như với gỗ dán. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan và các địa phương tăng cường kiểm soát nhập khẩu gỗ của các doanh nghiệp FDI, tránh gian lận thương mại, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Đồng thời, rà soát đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp gỗ, không cấp phép cho các doanh nghiệp FDI đầu tư mới trong sản xuất gỗ dán, tủ bếp, tủ buồng tắm là các loại sản phẩm gỗ đang đối diện nguy cơ bị áp thuế rất nặng nề từ thị trường Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, có các biện pháp hữu hiệu để giám sát và cảnh báo sớm nhằm tránh nguy cơ bị các thị trường lớn cáo buộc và áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam…

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hàng năm Việt Nam nhập khoảng 1,3 – 1,5 triệu m3 gỗ nguyên liệu từ nguồn rủi ro là gỗ nhiệt đới, một số nguồn nhập khẩu có rủi ro cao như Camphuchia và các nước châu Phi.

Gỗ nhiệt đới nhập khẩu mặc dù không sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu, tuy nhiên, đây chính là nguyên nhân ngành gỗ Việt phải đối mặt với cáo buộc về sử dụng gỗ bất hợp pháp, gây tổn hại đến thanh danh và hình ảnh của ngành gỗ Việt.

Ông Đỗ Xuân Lập khẳng định: Gỗ nhiệt đới nhập khẩu từ nguồn rủi ro đều được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Hiệp định đối tác tự nguyện VPA đã chỉ rõ các yêu cầu pháp lý về gỗ tiêu thụ nội địa phải giống như các yêu cầu đối với sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện đồ gỗ tiêu thụ ở thị trường nội địa chưa được quan tâm đến tính pháp lý của nguồn nguyên liệu, cũng như các hoạt động khác trong chuỗi cung ứng…

“Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang phối hợp với hiệp hội gỗ của các nước châu Phi để tổ chức hội thảo vào trung tuần tháng 4 tới đây nhằm đưa ra bộ tiêu chuẩn về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu để trình Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Hải quan nhằm chứng minh với Hoa Kỳ rằng gỗ nhập khẩu về Việt Nam là gỗ hợp pháp.

Đặc biệt, trong thời gian tới, cộng đồng các doanh nghiệp ngành gỗ phải chung tay xây dựng nền công nghiệp sản xuất đồ gỗ tiêu thụ nội địa phải sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp. Có như vậy, ngành gỗ Việt Nam mới tạo dựng được thanh danh, xây dựng được hình ảnh trên trường quốc tế và phát triển bền vững”.

(Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam).

Theo Vũ Đình Thung – Báo Nông Nghiệp

About fpabinhdinh

Read All Posts By fpabinhdinh