Ngành chế biến sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 7 tháng đầu năm nay, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng các DN ngành chế biến đồ gỗ đã đạt được kết quả khả quan.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định, đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 170 DN hoạt động trên lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản, với tổng vốn đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động.
Tăng trưởng khá
Cũng theo thống kê của Hiệp hội, năng lực sản xuất gỗ của các DN hằng năm đạt khoảng 350 nghìn m3 gỗ tinh chế và gần 1,5 triệu tấn gỗ dăm khô, tập trung phần lớn tại các khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ. Bình Định hiện là một trong 4 trung tâm chế biến gỗ và lâm sản lớn của cả nước. Sản phẩm đồ gỗ của các DN trong tỉnh đã xuất khẩu trực tiếp tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu chiếm 85%. Các khách hàng lớn của đồ gỗ Bình Định gồm: Metro, Walmart, Carrefour, B&Q, Kingfisher, Scancom…
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trong những năm qua, ngành chế biến gỗ và lâm sản tỉnh có mức tăng trưởng và phát triển khá, luôn là ngành công nghiệp chủ lực dẫn đầu trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh. 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt gần 270 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 52% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đánh giá của ngành Công Thương, tình hình sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khả quan là nhờ các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc, châu Âu, các quốc gia tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định và các ngành chức năng nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các DN tìm kiếm thị trường, ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu với các đối tác. Đây chính là nền tảng quan trọng để các DN hoạt động có hiệu quả và đạt mức tăng trưởng khá trong 7 tháng đầu năm nay.
Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành (nhà máy đặt tại phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn), cho biết: Việc nước ta chính thức tham gia Hiệp định CPTPP đã tạo điều kiện thuận lợi để DN mở rộng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước. Năm nay, chúng tôi đề ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 triệu USD. Đến hết tháng 7, đơn vị đã thực hiện đạt 13 triệu USD, chiếm hơn 60% kế hoạch xuất khẩu của cả năm. Hiện, thị trường châu Âu và Hoa Kỳ đang thuận lợi nên DN chúng tôi tăng tốc sản xuất, xuất khẩu mùa hàng cuối năm.
Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn
Ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định, cho biết: Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, song nhìn chung ngành chế biến gỗ – lâm sản của tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ. Đó là tình trạng thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu có chất lượng, có xuất xứ nguồn gốc với khối lượng ổn định đáp ứng cho nhu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều DN đang thiếu hụt công nhân lành nghề, có trình độ kỹ thuật cao. Nhiều DN chậm đổi mới dây chuyền sản xuất, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, kém sức cạnh tranh trên thị trường…
Trong năm 2019, Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định đặt ra mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 450 triệu USD, tăng 6,4% so với năm 2018. Để đạt được kết quả này, ngành chế biến gỗ – lâm sản đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, đặt trọng tâm vào công tác chuyển đổi sản xuất từ đồ gỗ sân vườn, ngoài trời sang sản xuất đồ gỗ nội thất để tăng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, để có nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định, các DN chế biến gỗ phải tăng cường liên kết với các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình đẩy mạnh thực hiện chương trình trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ xuất xứ nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của các đối tác nhập khẩu đồ gỗ. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, để nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu.
N. HÂN – Báo Bình Định