Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2020 ước đạt 13 tỷ USD, tăng xấp xỉ 15% so với năm 2019.
Xuất siêu kỷ lục
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết hoạt động lâm nghiệp năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 diễn ra ngày 21/12, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, điểm nhấn đặc biệt với ngành lâm nghiệp trong năm 2020 là trong số 13 tỷ USD xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt được thì xuất siêu chiếm trên 10 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu lâm sản hiện nay của Việt Nam chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 1,5% so với năm 2019.
Về dịch vụ môi trường rừng, tính đến ngày 15/12/2020, cả nước đã thu được trên 2.400 tỷ đồng, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thu dịch vụ mỗi trường rừng không đạt theo kế hoạch theo lý giải từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam do 6 tháng đầu năm 2020 sản xuất thủy điện giảm trên 33% so với cùng kỳ, trong khi nguồn thu từ thủy điện chiếm tới trên 93% dịch vụ môi trường rừng.
Một số lĩnh vực, số liệu nổi bật khác của ngành lâm nghiệp trong năm 2020, đó là diện tích rừng toàn quốc đạt trên 14,6 triệu ha, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2020 ước đạt 42% (năm 2019 là 41,89%) nhờ tổng diện tích rừng cả nước tăng gần 118.000ha.
Trong lĩnh vực quản lý rừng bền vững, năm 2020 đã triển khai, vận hành hiệu quả hệ thống Chứng chỉ rừng của Việt Nam. Phối hợp với PEFC để đánh giá lại Hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam. Hoàn thiện hệ thống và vận hành theo các quy định để PEFC quốc tế sớm bỏ phiếu thông qua và công nhận Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam.
Đến nay, đã có 41 chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, nhóm hộ gia đình đã thực hiện và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với tổng diện tích đạt trên 278.000ha tại 28 địa phương.
Sản lượng gỗ khai thác năm 2020 ước đạt 30 triệu m3, đáp ứng 75% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến. Hiện cả nước có 5.650 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.
Năm 2021, ngành Lâm nghiệp đạt mục tiêu bảo vệ, phát triển bền vững 100% diện tích rừng hiện có. Trồng rừng tập trung 230.000ha, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng từ 4.000 – 6.000ha, rừng sản xuất 225.000ha và trồng cây phân tán 200 triệu cây/năm.
Năm 2020, ngành lâm nghiệp xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD. Ảnh: Bùi Văn Ngọ.
Thu hồi những dự án chuyển đổi mục đích rừng không hiệu quả
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, năm 2021, ngành lâm nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 13/CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Thông báo số 191 của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng tự nhiên.
Theo đó, năm 2021 ngành lâm nghiệp tiếp tục quản lý chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là từ rừng tự nhiên. Tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra và thanh tra việc chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế.
Đối với những dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng hoạt động không hiệu quả, để xảy ra tình trạng phá rừng, mất rừng, xâm lấn đất rừng, tạo thành điểm nóng kéo dài sẽ cương quyết đề xuất thu hồi, đưa ra khỏi quy hoạch.
Đặc biệt, ngành lâm nghiệp cần ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 vào hoạt động quản lý, kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp bởi nếu chẳng may có trục trặc một thị trường nào liên quan tới gỗ không hợp pháp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Về lâu dài, ngành lâm nghiệp cần đẩy mạnh việc thu dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ các bon và lâm sản ngoài gỗ với mục tiêu nên mạnh dạn đặt ra là 3.500 tỷ đồng. Đẩy mạnh việc cấp chứng chỉ rừng trồng để tiến tới Việt Nam cơ bản làm chủ được nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ cho chế biến thay vì mới chỉ đáp ứng được khoảng 75% như hiện nay.
“Năm 2021 ngành lâm nghiệp có một số nhiệm vụ trọng tâm sau. Thứ nhất là khôi phục lại diện tích rừng bị ảnh hưởng bởi mưa bão vừa qua tại miền Trung. Thứ hai, tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng trong xuất khẩu gỗ và lâm sản so với năm 2021. Đẩy mạnh việc trồng rừng và khôi phục hiện trạng rừng để đạt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng đặt ra. Quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc xin chuyển đổi và sau chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tăng cường phát động việc trồng rừng và trồng cây phân tán theo chủ trương kêu gọi trồng 1 tỷ cây của Thủ tướng Chính phủ theo hướng chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm”, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn.
Theo Nguyên Huân – Báo Nông Nghiệp