Nhằm nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế rừng trồng, hướng đến phát triển ngành Lâm nghiệp, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho nhiều DN liên kết với người dân trong tỉnh trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho các DN, gồm: Công ty TNHH Dịch vụ Huỳnh Phát, Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (TP Quy Nhơn), Công ty CP lâm nghiệp Kim Thành Lập (huyện Hoài Nhơn) và HTX Lâm nghiệp An Việt Phát (TP Hồ Chí Minh) liên kết với người dân trồng rừng trong tỉnh thực hiện mô hình tạo vùng nguyên liệu gỗ gắn với quản lý bảo vệ rừng và xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Các DN sẽ hỗ trợ chi phí, kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân trong quá trình liên kết trồng rừng.
Ông Trần Duy Phong, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Huỳnh Phát, cho biết: “Đề án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gỗ gắn với quản lý rừng xây dựng chứng chỉ FSC của DN thực hiện trong 15 năm (2020 – 2035) tại 22 xã trong tỉnh với tổng diện tích khoảng 20.000 ha đã xây dựng và trình Sở NN&PTNT, UBND tỉnh để thẩm định, phê duyệt. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền các địa phương gặp gỡ người dân để khảo sát, tư vấn và tiến tới liên kết với họ để thực hiện sau khi đề án được phê duyệt. Trong năm 2020, DN sẽ liên kết trồng 3.000 ha rừng tại các xã của huyện Tây Sơn”.
Còn theo bà Ngô Thị Thanh Dung, Phó Tổng giám đốc HTX Lâm nghiệp An Việt Phát, sau khi đề án của đơn vị được phê duyệt, HTX sẽ liên kết với người dân trồng rừng trong tỉnh Bình Định để trồng 10.000 ha rừng gỗ lớn chu kỳ từ 7 năm trở lên trong năm 2020, sau đó sẽ mở rộng thêm diện tích vào những năm tiếp theo.
Mặc dù diện tích rừng sản xuất trong tỉnh lớn, nhưng phần lớn đất rừng giao cho người dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ. Do hạn chế về tiềm lực kinh tế, lâu nay người dân trồng rừng khai thác khi cây còn non với chu kỳ 4 – 5 năm tuổi, nên chất lượng gỗ không cao, hiệu quả thấp. Việc các DN đầu tư, liên kết với người dân phát triển rừng gỗ lớn, rừng cấp chứng chỉ FSC sẽ tăng hiệu quả kinh tế rừng trồng, mở lối phát triển ngành Lâm nghiệp bền vững.
Ồng Trần Ngọc Thái, người dân trồng rừng ở xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn), bộc bạch: “Tôi trồng hơn 40 ha rừng, lâu nay khai thác chu kỳ gỗ từ 5 – 7 năm tuổi, hiệu quả chưa cao bởi giá cả không ổn định. Nếu có DN liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giúp tăng hiệu quả kinh tế thì tôi sẽ đăng ký tham gia, đồng thời tôi sẽ rủ thêm nhiều người trồng rừng ở đây tham gia. Bởi bà con trồng rừng đều thấy rõ lợi ích khi trồng rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ FSC nhưng do không đủ nguồn lực thực hiện”.
Hiện tại, cả tỉnh mới chỉ có Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn (100% vốn Nhật Bản) trồng gần 10.000 ha rừng theo các tiêu chuẩn chứng chỉ FSC với chu kỳ trồng 8,5 năm trở lên; bình quân mỗi năm công ty khai thác và trồng mới khoảng 1.000 ha rừng. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty, trồng rừng theo chứng chỉ FSC không chỉ tăng giá trị của gỗ khi xuất khẩu mà còn đảm bảo các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan, gồm: Nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương. Không chỉ vậy, khi trồng rừng FSC lợi nhuận sẽ tăng thêm từ 15 – 20% so với rừng không có chứng chỉ.
“Hiện nay, các nước đều đòi hỏi sản phẩm gỗ xuất khẩu phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, phải có chứng chỉ FSC. Không chỉ có vậy, rừng trồng gỗ lớn còn tạo thêm nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ vốn đang gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN CHÂU
Theo Đoàn Ngọc Nhuận – Báo Bình Định