Quảng Nam có diện tích rừng trồng tương đối lớn nhưng hiệu quả từ rừng trồng ở đây vẫn còn rất thấp.
Nguyên nhân là sản phẩm gỗ sản xuất ra chủ yếu cung cấp cho các cơ sở chế biến gỗ dăm, phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc nên giá cả bấp bênh. Trước thực trạng đó, tỉnh đưa ra nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn.
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200.000ha rừng trồng chủ yếu là cây keo. Diện tích này đa số là chủ yếu phân tán nhỏ lẻ từng hộ gia đình nên rừng thông thường khi cây keo được từ 3 – 4 năm tuổi thì người dân đã chặt bán. Gỗ thu hoạch được chuyển về các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ dăm trên địa bàn tỉnh, sau đó vận chuyển về cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) để xuất sang Trung Quốc.
Với diện tích rừng như thế, mỗi năm toàn tỉnh Quảng Nam đạt sản lượng thu hoạch khoảng 1 triệu tấn gỗ keo. Trong khi chỉ tính riêng trong tỉnh có đến 16 cơ sở, nhà máy chế bến gỗ dăm với công suất từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn tấn/năm. Nếu thị trường ổn định thì lượng gỗ này không đủ cung cấp cho các nhà máy mà còn phải nhập thêm từ các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, do thị trường của mặt hàng này chủ yếu xuất qua Trung Quốc nên không ổn định. Khi phía Trung Quốc hạn chế hoặc ngừng nhập khẩu thì giá cả của gỗ rừng trồng cũng biến đổi theo. Có thời điểm xuống chỉ còn 600.000 – 700.000 đồng/tấn, nhiều hộ lâm vào cảnh thua lỗ.
“Nhiều khi bị thương lái ép giá mà không bán thì không được mà bán thì chẳng lời được đồng nào, phí biết bao năm chăm sóc. Tôi còn nhớ có thời điểm giá xuống tới mức còn 600.000 đồng/tấn. Ai cũng thấy chán nản mà giờ không trồng rừng thì người dân ở đây còn biết làm gì”, bà Phan Thị Bích Thủy (trú thôn An Lâu, Tam Lãnh, Phú Ninh) cho biết.
Đây cũng là thực trạng chung của người trồng rừng ở Quảng Nam thường xuyên gặp phải trong thời gian qua. Theo ông Từ Văn Khánh, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam thì truyền thống của người dân từ trước đến nay do sản xuất rừng theo quy mô hộ gia đình, nguồn vốn ít nên sau khi bỏ một khoản tiền để đầu tư, họ muốn nhanh chóng thu lợi. Từ đó người trồng rừng chấp nhận bán gỗ non, hiệu quả thu được từ rừng thấp, giá cả phụ thuộc.
Nhận thấy điều này, từ tháng 1/2019, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định số 14/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, giai đoạn 2019 – 2020 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, lợi nhuận ròng của rừng trồng. Tạo ra nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu; bảo tồn đa dạng sinh học và thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng trồng sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường… Theo kế hoạch của quyết định, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có khoảng 10.000ha rừng gỗ lớn.
Quyết định này đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân đầu tư phát triển trồng rừng gỗ lớn. Những người dân cam kết tham gia trồng rừng và khai thác sau 10 năm tuổi khi được nghiệm thu trồng rừng đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng sẽ được nhận được mức hỗ trợ từ 8 – 10 triệu đồng/ha tùy từng khu vực. Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ thêm các khoản chi phí như công tác khuyến lâm, thẩm định dự án, quản lý nghiệm thu… Trong trường hợp rừng bị thiệt hại do thiên tai thì sẽ không hoàn trả lại kinh phí hỗ trợ.
“Tuy nhiên, để người dân hưởng ứng các chính sách này thì cũng không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải thay đổi dần tư duy trồng rừng của họ. Trước mắt, chính quyền địa phương phải chung tay để thực hiện công tác tuyên truyền; tạo điều kiện cho các công ty đầu tư vào tỉnh để phát triển trồng rừng gỗ lớn; có kế hoạch đưa các hộ dân tham quan các mô hình để họ nhận thấy được hiệu quả và mạnh dạn tham gia”, ông Khánh nói.
Theo Lê Khánh – Báo Nông Nghiệp