Ngày 09 tháng 8 năm 2019, tại thành phố Quy Nhơn, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm phối hợp Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định với sự tài trợ của Chương trình FAO EU FLEGT, đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Góp ý dự thảo Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam”. Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển và Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định Lê Minh Thiện đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự, đóng góp ý kiến của các đại biểu từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, đại diện lãnh đạo Cục Kiểm lâm, các Chi cục Kiểm lâm, Cục Hải quan, đại diện Chương trình FAO EU FLEGT, Hiệp hội và doanh nghiệp các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên, các chuyên gia, tư vấn.
Ngày 1.6.2019, Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA FLEGT giữa EU và Việt Nam có hiệu lực đánh dấu một cột mốc quan trọng trong thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa thị trường rộng lớn EU với Việt Nam. Để đảm bảo tuân thủ Hiệp định quan trọng này và hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017, Tổng cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm đã và đang soạn thảo, tiếp thu ý kiến tham vấn rộng rãi trong việc xây dựng, trình thông qua các Nghị định, Thông tư liên quan, đặc biệt là Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Lê Minh Thiện cho rằng các cơ quan hoạch định chính sách sẽ có sửa đổi, đàm phán, điều chỉnh để làm sao đó phải thuận lợi hơn, tích cực hơn và tin tưởng sẽ triển khai Nghị định này thành công tốt đẹp, có lợi cho các nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam. Hiệp hội sẽ tổng hợp các ý kiến của Hội viên và ý kiến của các chuyên gia xoay quanh vấn đề cấp phép, thời gian cấp phép, phân loại doanh nghiệp, giúp hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực thi Nghị định này. Đồng thời, Hiệp hội sẽ cho đánh giá sơ bộ tất cả các hội viên đang thuộc nhóm nào, tỷ lệ bao nhiêu để có phương án và có lộ trình thực hiện kỹ lưỡng hơn. Hiệp hội sẽ có chương trình tuyên truyền vận động, giải thích và tổ chức những cuộc hội thảo với các chuyên gia, tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực VPA/ FLEGT, phân loại doanh nghiệp và cấp phép FLEGT; và làm đầu mối trao đổi các ý kiến hai chiều giữa doanh nghiệp hội viên và các cơ quan hoạch định chính sách.
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển nêu bật sứ mệnh rất quan trọng của Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp, một trong những nỗ lực của Việt Nam trong việc nội luật hóa các cam kết của Hiệp định VPA / FLEGT giữa Việt Nam và EU. Đây còn là nhận thức sâu sắc, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân và các bên liên quan trong vấn đề chống, loại trừ gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp khỏi các chuỗi cung sang các thị trường quốc tế và ngay tại thị trường trong nước. Việc xây dựng quy định của Nghị định vừa phải phù hợp với cam kết Hiệp định và thông lệ quốc tế, vừa tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm sự thuận lợi chung và lợi ích của các bên. Phó Tổng cục trưởng đề nghị Cục Kiểm lâm, các vụ của Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục ghi nhận, làm rõ và tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp thuộc bốn nhóm vấn đề chính là phạm vi điều chỉnh, cấp phép, phân loại doanh nghiệp, độ vênh giữa dự thảo nghị định với hiệp định VPA/FLEGT, các văn bản pháp luật khác, từ các cơ quan chức năng (Hải quan, Kiểm lâm…), các Hiệp hội, doanh nghiệp, các bên liên quan nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định đúng thời gian, trình theo quy định.
Văn phòng Hiệp hội tổng hợp