(binhdinh.gov.vn) – Chiều 26/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Nguyễn Tự Công Hoàng đã chủ trì Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp năm 2023. Hội nghị thu hút đại diện hơn 400 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong tỉnh. Dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân, lãnh đạo các sở, ban ngành.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cảm ơn sự hiện diện các doanh nghiệp tại hội nghị, tuy nhiên số doanh nghiệp đến với hội nghị chưa đạt kỳ vọng so với tổng số hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, tình hình kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, suy thoái với nhiều lí do. Trong nước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng rất thấp. Tại Bình Định, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,08%, giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế cũng chỉ tăng 3,49%. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 720 triệu USD, giảm 15,6%. Nhiều ngành sản xuất chủ lực của tỉnh như sản xuất gỗ, may mặc, thủy sản … gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, ảnh hưởng tới công ăn việc làm, giảm nguồn thu ngân sách.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, đâu đó vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được, nhất là cách “hành xử”, quan hệ giữa các sở, ngành với doanh nghiệp. Tại hội nghị này, lãnh đạo tỉnh muốn lắng nghe các tâm tư, chia sẻ cũng như nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các Hội, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Vấn đề nào giải quyết được sẽ giải quyết trực tiếp, trao đổi tại chỗ, vấn đề nào chưa giải quyết sẽ họp và có giải pháp dài hơn. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh luôn gắn chặt, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Bởi, doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, là nguồn lực, động lực tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn mong muốn doanh nghiệp nắm rõ định hướng, quan điểm của lãnh đạo tỉnh. Tháng 10/2023, quy hoạch của tỉnh được duyệt, tỉnh sẽ công bố công khai cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt để có kế hoạch cùng tham gia triển khai thành công. Cũng ngay tại đối thoại này, người đứng đầu chính quyền tỉnh mong muốn các doanh nghiệp, đóng góp ý kiến về các hoạt động điều hành, lãnh đạo của tỉnh đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động; về cơ chế chính sách vĩ mô hoặc cơ chế, chính sách liên quan đến tỉnh; đặc biệt nêu cụ thể những khó khăn, vướng mắc mà chính quyền xử lý chưa ổn thỏa, cần điều chỉnh, giải quyết để đảm bảo phát triển cho doanh nghiệp và cùng đóng góp vào phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin về một số nội dung chính về kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư, sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2023.
Báo cáo tổng hợp kiến nghị của Sở Công Thương thu thập thông qua các Hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 110 lượt doanh nghiệp với 54 nội dung kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương giải quyết, tháo gỡ. Trong 54 nội dung ý kiến, có 34 nội dung liên quan tới thẩm quyền của tỉnh, còn lại là của Trung ương.
Các nhóm kiến nghị chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ngân hàng với 26 lượt ý kiến, trong đó, doanh nghiệp kiến nghị thực hiện Thông tư số 02/2022 của Ngân hàng Nhà nước về gia hạn nợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giảm tỷ lệ thế chấp tài sản, giảm lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp. Lĩnh vực thuế có 24 ý kiến trong đó đề nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế VAT, thực hiện hoàn thuế trước kiểm tra sau, cho doanh nghiệp nợ, giãn nộp thuế theo thời gian quy định, gia hạn tiền thuê đất. Lĩnh vực phòng cháy chữa cháy cũng đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong tỉnh và có 5 nội dung kiến nghị với 19 lượt doanh nghiệp nêu ý kiến. Trong đó doanh nghiệp đề nghị xem xét giảm đến mức thấp nhất việc đầu tư lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp; Tăng cường hỗ trợ DN thực hiện các thủ tục cấp phép PCCC, xem xét giảm đến mức thấp nhất việc lập dự án và thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của công trình; giảm tần suất kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị, đề xuất các cơ, quan, đơn vị giảm tần suất các cuộc thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong giai đoạn sản xuất kinh doanh khó khăn hiện nay; Tăng cường hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại; thường xuyên cập nhật và thông báo kịp thời cho doanh nghiệp các thông tin, quy định có liên quan trong và ngoài nước để doanh nghiệp có phương án SXKD phù hợp và hiệu quả. Giãn thời gian đóng BHXH, BHTN cho DN, chỉ đóng BHYT để áp dụng cho trường hợp thai sản và ốm đau. Giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho DN đến hết 2023; Hỗ trợ chi phí đào tạo người LĐ đáp ứng hoạt động SXKD…
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng thẳng thắn trao đổi với lãnh đạo tỉnh những khó khăn, vướng mắc hiện nay, đồng thời hiến kế một số giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong tình hình hiện nay.
Xoay quanh những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã giải đáp trực tiếp các kiến nghị, vướng mắc của nhà đầu tư; Chủ tịch UBND tỉnh cũng trao đổi, làm rõ các vấn đề doanh nghiệp quan tâm.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh trong những năm qua. Đồng thời nhắc lại định hướng phát triển KT-XH của tỉnh trên 5 trụ cột, gồm: Công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, trong chiến lược quy hoạch phát triển của tỉnh, trọng tâm là giai đoạn 10 năm (2025 – 2035), tập trung mọi nguồn lực để phát triển cho tăng trưởng GRDP 2 con số. Khi đó quy mô nền kinh tế của tỉnh gấp 5 lần hiện nay, tỉnh sẽ thay đổi căn bản và thay đổi rất lớn. Chính vì vậy, đòi hỏi sự tham gia rất nhiệt tình, tâm huyết, thay đổi căn bản về tư duy của chính quyền và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, quan điểm của tỉnh là chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính quyền; tỉnh xác định sẽ chuyển từ chính quyền hành chính sang chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp; công khai minh bạch và nhất quán, tránh kiểu “tư duy nhiệm kỳ”.
Chẳng hạn, với ý kiến của bà Cao Thị Kim Lan liên quan đến việc kiến nghị đầu tư hạ tầng đồng bộ cho cảng cá, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng chúng ta phát triển kinh tế biển, bắt buộc các cảng cá phải được đầu tư. Và hiện nay, lãnh đạo tỉnh cũng đang có kế hoạch để làm. Như vậy, chúng ta phải có định hướng ngay từ đầu để đầu tư hạ tầng bài bản, căn cơ, chuẩn bị từ sớm từ xa.
“Chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta bị ảnh hưởng thiệt hại kép rất nhiều thứ. Tỉnh ta, các lĩnh vực trọng yếu đều bị ảnh hưởng rất lớn. Các doanh nghiệp tập trung đổi mới kinh doanh, tái cấu trúc lại DN, tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các DN mở rộng hoạt động trên cơ sở 5 trụ cột tỉnh đang tập trung phát triển. Nền kinh tế của tỉnh phải đi bằng nhiều phương thức, không nên quá trông chờ vào một vài lĩnh vực dễ dẫn đến tình trạng kinh tế thị trường, thị trường thế giới có vấn đề thì DN của chúng ta bị ảnh hưởng sâu sắc. Cùng với đó, các DN phải làm ăn bài bản, bền vững, chuyên nghiệp, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ, không thể làm theo kiểu “giật gấu vá vai”, tuân thủ quy định của pháp luật, gắn với trách nhiệm an sinh xã hội” Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Về chính quyền các cấp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng của Trung ương, của Chính phủ về DN, phải coi DN là đối tượng phục vụ của các cấp chính quyền, tập trung giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN. Tất cả những vấn đề DN đề cập thì các ngành, đơn vị trả lời tại đối thoại thì có trách nhiệm thực thi hơn với DN, tử tế hơn với DN thì những vướng mắc đó có thể giải quyết được hết. Còn để trả lời bằng lý, bằng luật thì cũng không cần tổ chức hội nghị đối thoại làm gì! Vấn đề là chúng ta phải có trách nhiệm với DN để hỗ trợ, đừng có máy móc, đừng có luật hóa quá. Các cấp chính quyền và DN giống như ngồi trên cùng một con thuyền vậy, cùng giúp nhau, cùng trách nhiệm.
Bên cạnh đó, cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho DN và đảm bảo “một cửa thật sự”. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm triển khai các dự án trên địa bàn mình, địa phương mình, cùng chịu trách nhiệm với nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan… Chính quyền địa phương cần phải thay đổi cách nhìn nhận và cách làm việc với DN; cách giải quyết của chính quyền là “linh hoạt”, “tạo điều kiện cho DN”.
Chủ tịch tỉnh giao cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định thống kê lại tất cả các vấn đề liên quan đến các khoản nợ của DN, các chính sách miễn giảm… báo cáo cho UBND tỉnh để tỉnh báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chính phủ, nhất là tình hình thực hiện việc hỗ trợ của các ngân hàng thương mại dành cho DN. Cơ quan BHXH, BHYT, tuân thủ các chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và UBND tỉnh tại buổi đi kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp.
Về vấn đề giao mặt bằng cho một số DN, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở chuyên môn làm văn bản tổng hợp các kiến nghị của DN báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết phù hợp, tạo điều kiện về thời gian để các DN có lộ trình di dời. Liên quan đến công tác PCCC của các dự án đầu tư, công trình… quy định này còn nhiều ý kiến và đang chỉnh sửa. Yêu cầu Công an tỉnh phân loại loại hình DN để vận dụng linh hoạt, nhanh chóng giải quyết thủ tục hành chính, những vấn đề đã đúng, đã ổn định thì thống nhất, chuẩn hóa lại quy trình.
Liên quan đến lĩnh vực đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải tập trung hỗ trợ cho DN công tác giải phóng mặt bằng; Sở TN&MT cố gắng hết sức để giúp DN rút ngắn thủ tục liên quan đến đất đai và đánh giá tác động môi trường dự án.
Về phía tỉnh, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn nhận được nhiều ý kiến, hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp. Đối với các kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhưng chưa được giải quyết tại hội nghị đối thoại này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tác giả: Trang Lê
(Theo Cổng thông tin Điện tử UBND tỉnh Bình Định)