Chiều 10/1 (nhằm ngầy 11 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra Lễ Giỗ Tổ nghề Mộc và Hội nghị tổng kết ngành Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị xác định: Năm 2025, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, tăng 7%-10% so với năm 2024…
Lễ Giỗ Tổ nghề Mộc và Hội nghị tổng kết ngành Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Hiệp hội G&LS tỉnh Bình Định (FPA Bình Định) tổ chức.
Tham dự Lễ Giỗ và Hội nghị có các vị: Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Cao Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội G&LS Việt Nam; Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định; đại biểu các sở, ban ngành tỉnh Bình Định; lãnh đạo các Hiệp hội VIFOREST, HAWA, BIFA, DOWA, các Chi hội Dăm gỗ, Viên nén, Gỗ dán và các Hiệp hội bạn trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các Ngân hàng thương mại, đối tác, bạn hàng…
Tại Lễ Giỗ Tổ nghề Mộc năm Giáp Thìn, các đại biểu, lãnh đạo FPA Bình Định và các hội viên đã thực hiện Lễ Giỗ Tổ theo nghi thức truyền thống.
Tiếp đó, thay mặt BCH FPA Bình Định, ông Lê Minh Thiện đã trình bày Báo cáo Tổng kết năm 2024 và nhiệm vụ năm 2025 của FPA Bình Định.
Báo cáo cho biết: Năm 2024, trước tình hình các thị trường xuất khẩu (XK) chính trên thế giới biến động phức tạp, khó lường, thị trường đồ gỗ và sản phẩm gỗ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức đan xen cơ hội phục hồi tại các thị trường xuất khẩu chính..
BCH Hiệp hội luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Chính phủ, các bộ ngành, nhất là sự hỗ trợ nhiệt tình chu đáo của Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở ban ngành, các địa phương của Tỉnh; hợp tác, phối hợp chặt chẽ các chương trình, hoạt động, kịp thời tổng hợp các phản ảnh của Hội viên về những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trong ngành để nhanh chóng báo cáo, kiến nghị Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ban ngành liên quan hỗ trợ giải pháp tháo gỡ, giải quyết, hoặc kiến nghị đến các cơ quan Trung ương trong tất cả các vấn đề liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN ngành gỗ và ngành hỗ trợ ngành gỗ…
Kết quả, theo thống kê, năm 2024, kim ngạch XK toàn tỉnh ước đạt 1,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2023. Trong đó, riêng ngành gỗ Bình Định đạt giá trị kim ngạch XK gần 1,1 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023, chiếm khoảng 62% trong tổng KNXK toàn tỉnh.
Trong số này có khá nhiều lĩnh vực có giá trị kim ngạch XK tăng trưởng khá, như: Đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn đạt 434,97 triệu USD (tăng 12,1% so năm 2023); Các loại sản phẩm gỗ khác (Dăm mảnh, viên nén…) đạt 414,2 triệu USD (tăng 10,9% so năm 2023); Các sản phẩm từ nhựa đan/hàng giả mây đạt 211,73 triệu USD (tăng 28,8% so năm 2023). Đáng lưu ý, đây là giá trị kim ngạch XK cao nhất mà lần đầu tiên ngành gỗ Bình Định đạt được. Bên cạnh đó, giá trị nhập khẩu gỗ trong năm 2024 đạt 35,95 triệu USD, tăng 41% giá trị kim ngạch so với năm 2023.
Đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch XK cho ngành gỗ Bình Định có nhiều DN hàng đầu như: Phú Tài, Tiến Đạt, Đại Thành, Hoàng Hưng, Thiên Phát, Đức Hải, Đức Toàn, Nghĩa Tín, Năng lượng Sinh học Phú Tài, Hoàng Giang, Tân Đại Hưng, và gần 150 DN trên địa bàn tỉnh Bình Định… Đồng thời, sản phẩm hàng hóa của các DN gỗ Bình Định có hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, năng suất lao động cao, ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, gỗ chứng chỉ, trách nhiệm xã hội DN (ISO 9001, FSC/VFCS-PEFC CoC/FM, amfori BSCI, SMETA, CTPAT…)… Nhờ vậy đã tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động có kỹ năng, tác phong sản xuất công nghiệp…
Cũng theo ông Chủ tịch FPA Bình Định, về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, FPA Bình Định sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
– Tích cực tham mưu xây dựng chính sách phát triển ngành; Tổng hợp, phân tích tình hình thị trường, chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho ngành gỗ… Phối hợp với Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Hải quan tỉnh triển khai thực thi Nghị định 102, Nghị định 120 và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT, nhất là khẩn trương triển khai Quyết định 3024 để thích ứng EUDR; Phối hợp Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Kiểm lâm thực hiện “Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2020-2025”.
– Tập trung công tác chuẩn bị về nhân sự và văn kiện tiến hành tổ chức Đại hội Hiệp hội lần thứ 7 nhiệm kỳ 2025-2027 để kế thừa và phát huy tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển ngành gỗ và lâm sản tỉnh trong những năm tiếp theo.
– Phối hợp VIFOREST FAIR tập trung nguồn lực tổ chức thành công Hội chợ Quốc tế Hàng Phong cách Ngoài trời Quy Nhơn 2025; Phối hợp với Sở Công Thương thực hiện Đề án: “Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”; Phối hợp triển khai thực hiện các dự án, tổ chức các hội thảo, diễn đàn thương mại gỗ với các tổ chức quốc tế.
– Phối hợp với các Hiệp hội bạn, các cơ quan, đơn vị trong nước, quốc tế thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo chuyên đề ngắn hạn đúng nhu cầu của Hội viên, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn mới tại các khu vực thị trường xuất khẩu chính: Bắc Mỹ, EU, Anh, Úc, Đông Bắc Á; Tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm các nhà máy tiêu biểu trong nước, tạo điều kiện giao lưu hợp tác, kết nối giao thương, mạng lưới học hỏi lẫn nhau để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành các cấp của nhà máy.
– Tiếp tục triển khai các hoạt động thể thao – văn hóa và điều hành Quỹ Từ thiện của Hiệp hội đúng tôn chỉ, mục đích và hiệu quả; tham gia tích cực các hoạt động của Quỹ Việt Nam Xanh một cách thiết thực, bền vững trong lĩnh vực lâm nghiệp…
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, ông Phạm Anh Tuấn ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà FPA Bình Định đạt được trong năm 2024.
Ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Kết quả năm 2024, tỉnh Bình Định hoàn thành vượt 20/21 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH; trong đó, GRDP tăng 7,78%, đạt chỉ tiêu kế hoạch HĐND tỉnh giao và xếp thứ 26/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 2/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Chỉ số SXCN tăng 10% và tăng cao hơn cả nước 8,3%; tổng KNXK đạt 1,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ, vượt 3,6% kế hoạch đề ra, trong đó nhờ có sự đóng góp lớn của ngành Gỗ Bình Định, với KNXK đạt 1,064 tỷ USD triệu USD, tăng 10,8% so với năm 2023, chiếm khoảng 60% KNXK toàn tỉnh; đây là năm đầu tiên ngành gỗ Bình Định vượt mốc 1 tỷ USD…
Bên cạnh đó, hoạt động thu hút đầu tư ngành Gỗ vào tỉnh Bình Định cũng đạt kết quả khả quan. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã thu hút 31 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 3.379 tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2023; nâng tổng số DN chế biến gỗ lên hơn 370 DN với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm hơn 30.000 lao động tại địa phương; góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành Công Thương Bình Định, cũng như ngành gỗ của Việt Nam. Với các kết quả nêu trên, FPA Bình Định tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của mình trong việc góp phần phát triển ngành Gỗ…
Về tình hình, nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh Bình Định năm 2025 và nhiệm vụ của FPA Bình Định nói riêng, ông Phạm Anh Tuấn phân tích: Năm 2025 được xác định là năm “tăng tốc”, “bứt phá”, tập trung tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021 – 2025. Với dự báo tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: Các thị trường thị trường xuất khẩu lớn đều đưa ra các tiêu chuẩn xanh mới ký kết hợp đồng; người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu do lạm phát; cước vận chuyển đường biển dự báo tăng; trong nước chi phí vốn còn cao, giá nguyên liệu, vật liệu đầu vào tăng, thiếu hụt công nhân có tay nghề… Trước bối cảnh đó, kinh tế của tỉnh nhà sẽ có những cơ hội và thách thức đan xen. Để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH tỉnh, nhất là đạt mục tiêu tăng GRDP từ 7,6-8,5% và ngành Gỗ tiếp tục phấn đấu đạt kim ngạch XK đạt từ 1,2 tỷ USD để cả tỉnh đạt 1,8 tỷ USD. Vì vậy, FPA Bình Định cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau:
– Tập trung chuẩn bị các điều kiện và tổ chức Đại hội Hiệp hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025-2027), nhất là công tác nhân sự, lựa chọn những người có nhiệt tình, có tâm huyết, có uy tín và đạo đức nghề nghiệp, có năng lực tổ chức các hoạt động… để bầu vào BCH…
– Tiếp tục phát huy vai trò hoạt động của Hiệp hội, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và có đề xuất giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản. Tuyên truyền, vận động các DN thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất xanh…
– Tăng cường thông tin cho hội viên về thị trường để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa rủi ro; tăng cường công tác truyền thông về các quy định pháp luật, hệ thống trách nhiệm giải trình về gỗ hợp pháp của các nước nhập khẩu.
– Chủ động phối hợp tổ chức các chương trình hội thảo chuyên đề, tập huấn, đặc biệt về sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải; tiếp cận các chương trình dự án hỗ trợ ngành chế biến gỗ của Chính phủ và các tổ chức quốc tế.
– Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các hội viên để hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong chế biến và tiêu thụ gỗ; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên. Tiếp tục khuyến khích hội viên liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC/VFCS PEFC)..
– Phối hợp, tổ chức thành công Hội chợ Quốc tế Hàng Phong cách Ngoài trời 2025 tại Bình Định và các hội thảo, diễn đàn thương mại gỗ, chuyển giao công nghệ…
Đồng thời, nhằm thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trên, ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị các sở, ngành, địa phương tron tỉnh thực hiện 4 giải pháp, gồm:
Tiếp tục giữ mối liên hệ và trao đổi thường xuyên với FPA Bình Định, các DN để nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và hoạt động SXKD. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Tập trung tạo điều kiện thuận lợi các nhà máy đang hoạt động, 30 nhà máy mới hoàn thành đi vào hoạt động trong năm 2024 và 32 dự án sản xuất chế biến gỗ đang triển khai đầu tư xây dựng dự kiến đưa vào hoạt động sản xuất trong năm 2025… phát huy giá trị sản xuất hiện có, tạo ra giá trị sản xuất gia tăng mới.
Thông tin tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định FTAs thế hệ mới để DN hội viên nắm bắt và hiểu rõ được các quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, các tình huống tranh chấp thương mại… chủ động tìm kiếm mở rộng, phát triển thị trường, nhất là các hoạt động thương mại điện tử; thực hiện hỗ trợ kinh phí tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương; hỗ trợ DN nhỏ và vừa ngành gỗ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Ưu tiên thu hút các dự án sản xuất công nghiệp nhằm phát triển chế biến sâu sản phẩm từ dăm gỗ, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành chế biến gỗ; hướng dẫn DN nhỏ và vừa tham gia chương trình khuyến công và các chính sách hỗ trợ khác để phát triển sản xuất, kinh doanh; phối hợp phát triển trồng rừng cây gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn tỉnh; đảm bảo hạ tầng công nghiệp, dịch vụ cảng biển, cung ứng điện cho hoạt động SXKD của DN, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, nhất là những tháng khô hạn kéo dài…
Viết Hiền
(https://thuonghieucongluan.com.vn/fpa-binh-dinh-nam-22025-phan-dau-dat-kim-ngach-xuat-khau-tang-7-10-a250531.html)