Tháng 9.1999, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (G&LS) Bình Định (FPA Bình Định) được thành lập. Đây là Hiệp hội G&LS sớm thành lập ở Việt Nam. Trải qua 20 năm, FPA Bình Định đã không ngừng phát triển lớn mạnh, luôn luôn đồng hành cùng các CN CBG&LS trên địa bàn, góp phần để Bình Định trở thành một trong bốn “Trung tâm đồ gỗ xuất khẩu” của cả nước và làm nên thương hiệu “Đồ Gỗ Bình Định”…
Hành trình trở thành “Trung tâm đồ gỗ xuất khẩu”
Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại – Chủ tịch FPA Bình Định (nhiệm kỳ 2) vẫn chưa quên “cái thuở ban đầu”… Ông nhớ lại: Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp CBG&LS Bình Định phát triển, xây dựng hình ảnh và thương hiệu “Đồ Gỗ Bình Định”, ngày 24.9.1999, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 3413 “Về việc thành lập Hiệp hội Sản xuất – Xuất nhập khẩu G&LS Bình Định” (sau đổi tên thành Hiệp hội G&LS Bình Định). Đây là dấu mốc quan trọng đối với FPA Bình Định cũng như các doanh nghiệp CBG&LS trên địa bàn. FPA Bình Định nhiệm kỳ đầu tiên chỉ có 28 thành viên, do bà Võ Xuân Hiền làm Chủ tịch, ông Thái Công Trạng làm Phó Chủ tịch…
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, ngay từ khi mới thành lập, FPA Bình Định đã xác định rõ: Hiệp hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tự nguyện của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ, cung cấp vật tư nguyên liệu, máy móc thiết bị cho ngành chế biến gỗ. Tuy đa dạng về loại hình DN và quy mô khác nhau song các DN đều thể hiện sự đoàn kết, hỗ trợ nhau, cùng quyết tâm xây dựng và đưa thương hiệu “Đồ Gỗ Bình Định” đến các thị trường toàn cầu…
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định, cho biết: Sự phát triển nhanh chóng của Hiệp hội trong 20 năm qua là rất đáng ghi nhận. Theo đó, từ 28 thành viên ban đầu, đến nay FPA Bình Định đã phát triển được 115 thành viên. Hội viên của Hiệp hội hiện có mặt ở 8 tỉnh, thành phố trên cả nước, như: Bình Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Đắc Nông, Đắc Lắc, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và cả hội viên liên kết là các DN nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam. Trong số 115 hội viên, cơ cấu DN hội viên của Hiệp hội giữ được tỷ trọng cân đối và phù hợp với ngành CBG, một bộ phận cấu thành của chuỗi giá trị đồ gỗ toàn cầu, trong đó DN CBG có 71 DN (chiếm tỉ lệ 62% số Hội viên), DN thương mại, công nghiệp hỗ trợ có 32 DN (chiếm 28%), DN cung cấp dịch vụ cho ngành gỗ có 12 DN (chiếm 10%)… Cách đây 20 năm, giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch XK của ngành CBG Bình Định chỉ là 345 tỷ đồng và 35,4 triệu USD, thì đến năm 2018 con số tương ứng đã là 15.029,8 tỷ đồng và 479 triệu USD. Chúng cho thấy ngành CBG Bình Định đã có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, nhiều năm qua, kim ngạch XK của ngành CBG Bình Định chiếm trên 50% kim ngạch XK toàn tỉnh…
Trong 4 nhiệm kỳ qua, Hiệp hội đã hỗ trợ hội viên với nhiều hình thức để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nói chung và của DN nói riêng thông qua sự liên kết, hợp tác giữa các DN hội viên. Theo đó, FPA Bình Định đã tổ chức các hội nghị thường niên gặp gỡ các nhà cung cấp cho ngành gỗ để thông tin thị trường, củng cố mối quan hệ bạn hàng, đối tác, trao đổi cơ hội hợp tác thương mại giữa các nhà cung ứng nguyên liệu, vật tư phụ liệu, máy móc thiết bị và các nhà máy CBG; tổ chức nhiều đoàn DN tham quan, giao lưu các DN hội viên trong và ngoài tỉnh, tạo cơ hội trao đổi, chia sẻ những vướng mắc và kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mục tiêu mà FPA Bình Định hướng tới là tạo sự gắn kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị đồ gỗ toàn cầu, đảm bảo chất lượng, thời gian giao hàng và nhất là nâng tính cạnh tranh của sản phẩm, của DN và thương hiệu địa phương…. Bên cạnh đó, các DN hội viên cũng quan tâm hỗ trợ thông tin đơn hàng cho nhau, hợp tác phát triển mẫu mã; từng bước thống nhất giá chào hàng cho các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu có những đơn hàng quy mô lớn; hỗ trợ vốn, trao đổi nguyên liệu, vật tư qua lại lẫn nhau khi cần thiết…
Xứng danh thương hiệu “Đồ Gỗ Bình Định”
Thành quả mà FPA Bình Định và ngành CBG&LS tỉnh đạt được trong 20 năm qua có thể coi là thành tựu to lớn. Theo ông Lê Minh Thiện, điều đáng ghi nhận là trải qua bao thăng – trầm, gian khó, giờ đây Bình Định được biết đến với tư cách là một trong những “Trung tâm đồ gỗ xuất khẩu” hàng đầu của Việt Nam cùng với Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Không chỉ có vậy, nhiều năm qua, FPA Bình Định còn tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, đền ơn, đáp nghĩa, trong đó có phong trào ủng hộ Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Bình Định, Quỹ Tấm Lòng Vàng; Ủng hộ Ban Cứu trợ tỉnh và trực tiếp cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ ở nhiều địa phương trong tỉnh….
Với những nỗ lực trên, những năm qua FPA Bình Định đã nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, UBND tỉnh và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…
Nói về FPA Bình Định và ngành CBG&LS tỉnh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng có nhận xét: 20 năm qua, ngành CBG&LS Bình Định đã liên tục tăng trưởng cả về giá trị kim ngạch XK và giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Đáng lưu ý, trong 20 năm, giá trị kim ngạch XK của ngành CBG&LS tỉnh đã tăng gấp 14 lần (từ hơn 35 triệu USD năm 1999 tăng lên 479 triệu USD năm 2019) và chiếm trên 50% tổng giá trị kim ngạch XK toàn tỉnh. Riêng năm 2019, tổng giá trị kim ngạch XK toàn tỉnh là 911 triệu USD thì riêng kim ngạch XK của ngành CBG&LS đã gần 479 triệu USD, chiếm tỷ lệ trên 50%. Bên cạnh đó, từ vài chục DN ban đầu, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 240 DN chuyên sản xuất, CBG&LS, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động… UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và thành quả mà FPA Bình Định và các DN ngành CBG&LS tỉnh đạt được trong 20 năm qua… Một sự kiện nổi bật gần đây là Hội chợ High Point tại Hoa Kỳ cũng là lần đầu tiên các DN ngành gỗ Bình Định tham gia hội chợ quốc tế lớn nhất thế giới chuyên về đồ gỗ, gian hàng đồ gỗ Bình Định khoảng 200 m2 gần các nước lớn như Brazil, Trung Quốc… Tám DN tham gia đã dàn dựng, giới thiệu đồ gỗ Bình Định đã thu hút được nhiều DN của Mỹ và các nước tham gia hội chợ. Lãnh đạo tỉnh đã phối hợp ĐSQ Việt Nam tại Mỹ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư có 50 nhà đầu tư của 30 DN tìm hiểu một số cơ hội đầu tư tại Bình Định, đặc biệt là đồ gỗ Bình Định.
Tuy nhiên, đồng chí Phan Cao Thắng cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại của ngành CBG&LS tỉnh. Theo đó, mặc dù số lượng DN CBG&LS trên địa bàn phát triển khá nhanh, song số DN lớn, thực sự có năng lực vẫn còn khiêm tốn. Cụ thể, trong số 240 DN CBG&LS thì chỉ có khoảng 8 DN có số vốn 200 tỷ đồng, số còn lại chỉ khoảng dưới 50 tỷ đồng… Đồng thời, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN CBG&LS trên địa bàn thiếu sự tập trung, thậm chí khá phân tán, manh mún…
Còn theo ông Lê Minh Thiện, trên cơ sở phân tích những thành quả đạt được trong 20 năm qua và cả những tồn tại hạn chế, Ban chấp hành FPA Bình Định kiên định với phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội: Phấn đấu xây dựng các DN CBG&LS có thương hiệu mạnh; phát triển thương hiệu “ Đồ Gỗ Bình Định” thỏa mãn nhu cầu khách hàng trong nước và quốc tế; Tăng cường khả năng cạnh tranh cao về sản phẩm và dịch vụ; Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản xuất đồ gỗ nội thất; Giữ vững tốc độ tăng trưởng, tiếp tục giữ vị thế Top 4 của ngành CBG cả nước, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 10%…. Nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trên, FPA Bình Định đã đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản, gồm: Xây dựng và phát triển tổ chức, bộ máy Hiệp hội; Phát triển quan hệ đối ngoại và tham gia chính sách ngành gỗ; Tăng cường quảng bá, xúc tiến XK và thương mại; Đào tạo chuyển giao công nghệ…
Đáng lưu ý, theo đồng chí Phan Cao Thắng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng Đề án “Phát triển ngành công nghiệp CBG tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”. Đề án xác định: Phấn đấu đưa ngành CBG Bình Định phát triển bền vững; xây dựng thương hiệu “Đồ Gỗ Bình Định” và xây dựng ngành CBG&LS trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định. Cụ thể, mục tiêu mà Đề án đề ra là: Phấn đấu đến năm 2025, ngành CBG Bình Định đạt giá trị kim ngạch XK 750 triệu USD và đến năm 2035 đạt 1,5 tỷ USD…
Cũng theo đồng chí Phan Cao Thắng, để hiện thực hóa mục tiêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo việc quy hoạch khu vực trồng rừng nguyên liệu rộng 2.000ha. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ cho quy hoạch Khu công nghiệp chuyên ngành CBG để quy tụ các DN có nơi sản xuất kinh doanh tập trung, giảm dần tính phân tán, manh mún… Riêng đối với FPA Bình Định, cần phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục giữ vai trò “cầu nối” giữa chính quyền và DN, kết nối rộng rãi với các đối tác trong và ngoài nước…
Hy vọng rằng, với những thành quả đạt được trong 20 năm qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, FPA Bình Định và ngành CBG&LS tỉnh sẽ tiếp tục phát triển bền vững, xứng đáng là 1 trong 4 trung tâm CBG của Việt Nam, xứng danh với thương hiệu “Đồ Gỗ Bình Định”./.
VIẾT HIỀN (Theo Báo Bình Định)