Việt Nam và EU vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản bền vững (VPA/ FLEGT), mở ra nhiều cơ hội tăng tốc xuất khẩu (XK) đồ gỗ vào EU. Dưới đây là ghi chép của phóng viên Tạp chí Gỗ Việt về sự chuẩn bị của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại các tỉnh miền Trung Tây Nguyên.
Tây Nguyên, cũng như các tỉnh Nam Trung Bộ khác là khu vực sản xuất đồ gỗ xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và cảng Quy Nhơn là đầu mối trọng điểm đưa đồ gỗ và dăm gỗ của Việt Nam ra thế giới. Từ nhiều năm nay đã hình thành “con đường đồ gỗ”, gỗ nguyên liệu được trồng ở những cánh rừng Tây Nguyên sau khi thu hoạch thường được chuyển đến bán cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ gỗ ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Gần cảng Quy Nhơn tập hợp đông đảo các DN chế biến gỗ, đủ các loại gỗ chất san sát các ngả đường ra cảng. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định cho biết, Bình Định có gần 200 DN sản xuất đồ gỗ chuyên để XK, đấy là chưa kể hơn 30 DN chuyên XK dăm gỗ. Bình Định là một trong những tỉnh XK đồt gỗ hàng đầu cả nước với giá trị kim ngạch XK bình quân đạt 300 triệu USD/năm, chiếm trên 50% kim ngạch XK toàn tỉnh. Đồ gỗ ở Bình Định XK đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với các thị trường lớn như Anh, Pháp, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… XK đồ gỗ của Bình Định liên tục tăng trưởng nhanh: năm 2014 đạt gần 314 triệu USD; năm 2015 giá trị XK tăng đến 362,54 triệu USD, chiếm 53% tổng giá trị XK của toàn tỉnh; tăng 13,2% giá trị so với năm 2014. Riêng mặt hàng gỗ ngoài trời, Bình Định đứng đầu cả nước với kim ngạch 189,4 triệu USD năm 2015. “Ngành gỗ Bình Định có tốc độ tăng trưởng XK cao tại các thị trường Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… với mức tăng bình quân 35%, trong khi mức tăng bình quân của cả nước chỉ 10,7%. Năm 2016 này, ước tính kim ngạch XK gỗ của Bình Định tăng hơn 20% so với năm ngoái”, ông Lập cho hay.
Đến thăm Công ty Trường Sơn ở TP Quy Nhơn, là DN chuyên sản xuất đồ gỗ ngoài trời xuất sang EU, thấy công nhân tại đây đang tất bật đóng hàng để chuẩn bị đưa vào contener. Chủ DN này cho hay, năm ngoái DN XK sản phẩm vào EU thu về hơn 2 triệu Euro. Năm nay khó khăn hơn, đến thời điểm này giá trị xuất hàng mới được gần 1,5 triệu Euro. Chủ DN này chia sẻ: “Suốt 3 năm qua, chúng tôi XK đồ gỗ sang EU rất vất vả khi phải thực hiện Quy chế 955 của họ. Đối tác mua hàng của chúng tôi phải giải trình với các nhà chức trách ở EU về nguồn gốc hợp pháp của gỗ, vì vậy mỗi lô hàng họ yêu cầu chúng tôi phải cung cấp cho họ gần 10 chứng từ khác nhau. Gỗ phải có giấy của kiểm lâm địa phương; đơn xin khai thác gỗ của hộ nông dân do UNND xã xác nhận vào, kèm theo bảng kê lâm sản, loại gỗ kích thước sản lượng khai thác là bao nhiêu; phải có hóa đơn tài chính. Thế nhưng vẫn chưa đủ, họ đòi chúng tôi phải trình chứng nhận về an toàn lao động, giấy bảo hiểm và chứng nhận bảo đảm quyền lợi cho người lao động, chứng chỉ về môi trường… Nay chúng tôi rất mong mỏi FLEGT nhanh chóng ký kết và thực thi, vì được biết khi đó chỉ cần một loại giấy duy nhất là giấy FLEGT cho mỗi lô hàng, là đủ điều kiện XK vào EU, không cần phải chạy nhiều loại giấy như trước nữa”.
Tại Công ty Thanh Hòa ở TP Quy Nhơn chuyên cung cấp nguyên liệu gỗ cho các nhà máy sản xuất đồ gỗ, thấy máy xẻ gỗ ầm ầm chạy hết công suất. Công nhân cũng tất bật bào, cắt gỗ, trong khi những chiếc xe nâng hàng liên tục đưa các khối gỗ đã xẻ vào ra. Ông Trần Nguyễn Minh Duyên, Giám đốc Công ty cho biết, ngành chế biến gỗ ở Bình Định đang đi theo hướng phân chia công đoạn. Trong đó, Công ty Thanh Hòa chuyên cung cấp phôi liền cho đồ gỗ ngoài trời cho các DN ở Quy Nhơn, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. “Hàng năm chúng tôi kinh doanh 70 nghìn khối gỗ, trong đó một nửa là gỗ nhập khẩu, một nửa là gỗ từ rừng trồng trong nước. Nguổn nguyên liệu gỗ nhập khẩu chủ yếu là gỗ FSC ở Bán cầu Nam: Urugoay, Braxin, Panama… Gỗ nhập về, công ty sơ chế, xẻ chi tiết như chân bàn, chân ghế, sau đó sấy rồi bán cho các DN khác”.
Theo ông Duyên, nghe thông tin về việc FLEGT sắp được ký kết, các đối tác mua nguyên liệu từ công ty đã yêu cầu nghiêm ngặt hơn về xuất xứ gỗ. Trước kia xuất hàng đi chỉ cần viết hóa đơn là xong. Nhưng từ một tháng trở lại đây, họ đòi bất cứ lô hàng nào cũng phải có giấy tờ chứng minh là gỗ hợp pháp. Nhưng loại giấy tờ nào là bắt buộc, thì chính các DN đó cũng chưa nắm rõ. “Hiện đang là giai đoạn khốn khổ nhất mà chúng tôi phải chịu đựng, vì các DN mua nguyên liệu cứ biết và nghĩ ra bất cứ loại giấy tờ nào, thì bắt chúng tôi phải có cho họ. Bởi họ sợ nếu thiếu thứ giấy tờ nào đó, tới đây sẽ không được cấp FLEGT, đồng nghĩa với việc sẽ phải ngừng XK hàng. Rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng có văn bản thông báo rõ cho chúng tôi biết các DN nghiệp chế biến gỗ cần chuẩn bị những giấy tờ gì, để chúng tôi thực thi cho đúng”, ông Duyên phân trần.
Đi cùng đoàn, ông Dương Duy Khánh, cán bộ của WWF giảng giải cho DN rằng, quy trình cấp FLEGT sẽ rất thuận tiện chứ không phức tạp. Sau này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành phân loại DN. Những DN được xếp loại 1, thì chỉ cần có các hóa đơn đầu vào là sẽ được cấp giấy FLEGT. DN làm ăn chân chính thì sẽ rất dễ dàng, nhưng nếu DN bị xếp loại 2, sẽ bị cơ quan chức năng kiểm tra rất chặt”.
Ông Duyên nêu một vấn đề khác, những chi tiết như chân bàn, chân ghế… chấp nhận loại gỗ đường kính nhỏ thì chúng tôi dùng gỗ trong nước, nhưng những chi tiết cần gỗ có đường kính lớn như mặt bàn, mặt ghế, chúng tôi buộc phải dùng nguyên liệu nhập khẩu. Gỗ rừng trồng ở các nước khác có đường kính lớn 25 – 30 cm, trong khi gỗ rừng trồng ở Việt Nam chỉ 10-15 cm đường kính. Vì vậy gỗ nhập khẩu có giá bán cao gấp 2-4 lần giá gỗ nội địa. Tới đây, chúng tôi sẽ không thể tiếp tục nhập khẩu gỗ từ nhiều nước trong khu vực, bởi họ không có chứng nhận gỗ hợp pháp. DN đang đề ra kế hoạch sẽ giảm nhập khẩu gỗ, thay vào đó là tăng cường thu mua gỗ rừng trồng trong nước. “Nhưng rất ít hộ gia đình để rừng 7-12 năm mới thu hoạch, mà nông dân Việt Nam trồng rừng thường chỉ 2-3 năm đã chặt cây, chỉ để bán dăm gỗ, không đạt yêu cầu cho sản xuất đồ gỗ. Chúng tôi mong Nhà nước cần có chính sách hạn chế XK dăm gỗ. Nếu nông dân để cây lớn lên, thì sau đó vài năm chúng tôi sẽ có gỗ từ rừng trồng”, ông Duyên tha thiết nói.