Báo cáo được công bố tại Hội thảo “Thực trạng xuất nhập khẩu và chuyển dịch đầu tư ngành gỗ” được tổ chức vào ngày 8/11/2019 tại Hà Nội. Báo cáo cập nhật các loại hình đầu tư FDI trong ngành gỗ, bao gồm (i) các dự án đầu tư mới, (ii) các dự án tăng vốn và (iii) dự án góp vốn thông qua mua cổ phần. Tìm hiểu thực trạng các loại hình đầu tư theo nhóm sản phẩm, theo quốc gia đầu tư và địa phương đón nhận đầu tư.
Đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành gỗ tăng rất nhanh đặc biệt kể từ năm 2018 trở lại đây. Trong số các quốc gia đầu tư, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư lớn. Con số thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy số doanh nghiệp FDI đăng ký mới trong 9 tháng đầu năm 2019 là 67, tương đương với con số cả năm 2018. Tổng số vốn đăng ký của các dự án này cũng tăng nhanh, lý do chính là do sự xuất hiện của một số dự án mới có mức vốn đăng ký quy mô rất lớn từ Hàn Quốc, Hồng Kông và Trung Quốc. Lượng vốn đăng ký của các dự án mới trong 9 tháng đầu 2019 cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng ký của các dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ trong cả năm 2018.
FDI có vai trò quan trọng đối với sự lớn mạnh của ngành gỗ Việt Nam. Con số thống kê xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI năm 2018 đạt gần 3,96 tỷ USD, chiếm 46,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Đánh giá được tầm quan trọng của các dự án FDI nói chung và dự án trong ngành gỗ nói riêng, Chính phủ đã và đang ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư FDI vào các ngành. Nghị quyết 50/NQ-TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến hết 2030 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với khu vực đầu tư FDI. Nghị quyết nhấn mạnh đầu tư FDI “góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.”
Tuy nhiên đầu tư FDI đến nay vẫn còn một số hạn chế. Nghị quyết 50/NQ-TW nêu rõ “việc thu hút, quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vẫn đề mới…. chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao…hệ thống tổ chức bộ mấy và năng lực thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài còn bất cập, phân tán, chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu chủ động và tính chuyên nghiệp…. Số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đồng đều; tỉ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp…. Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng… Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài nhiều nơi còn hạn chế, thiếu tính chủ động, sáng tạo; khả năng phân tích, dự báo còn bất cập. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có nơi còn chưa nghiêm.” Để giải quyết các tồn tại này, Nghị quyết 50 yêu cầu “xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách…Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.”
Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai các biện pháp theo tinh thần của Nghị quyết 50/NQ-TW, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng cuộc chiến Mỹ – Trung đang diễn ra với nhiều tác động tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành. Ngày 4 tháng 7 vừa qua Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ với mục tiêu chủ yếu nhằm “ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa…”
Nhiều nghiên cứu cho rằng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi, với các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang được mở rộng nhằm thay thế các mặt hàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng bên cạnh những lợi ích mà cuộc chiến này đem lại là các rủi ro mới. Đã có một số tín hiệu cho thấy gian lận thương mại trong ngành gỗ, với một số mặt hàng gỗ của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam sau đó xuất khẩu vào Hoa Kỳ với nhãn mác của Việt Nam. Gian lận thương mại cũng có thể diễn ra dưới hình thức “đầu tư chui” hay “đầu tư núp bóng” với doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thuê nhà xưởng của doanh nghiệp Việt, nhập khẩu hàng hóa sơ chế từ Trung Quốc vào sơ chế tại đây sau đó xuất sản phẩm vào Mỹ với nhãn mác Việt Nam. Hình thức đầu tư này đem lại những rủi ro lớn cho ngành gỗ của Việt Nam.
Kiểm soát rủi ro trong gian lận thương mại là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành. Đánh giá rủi ro trong các hoạt động đầu tư FDI của ngành đặc biệt kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ Trung bắt đầu là việc làm cần thiết. Trong năm 2019, nhóm nghiên cứu của Hiệp gỗ và Forest Trends đã xây dựng 2 báo cáo bước đầu mô tả thực trạng các hoạt động đầu tư FDI vào ngành và đưa ra các cảnh báo về rủi ro trong các hoạt động này, đặc biệt là cảnh báo về dịch chuyển trong dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên các báo cáo này chỉ cập nhập các con số về đầu tư FDI đến tháng 6 năm 2019. Ngoài ra, các báo cáo này cũng chưa thống kê về tình trạng các dự án FDI tại Việt Nam thực hiện việc tăng vốn, các dự án mua cổ phần.
Nhằm cập nhật tình hình đầu tư FDI, nhóm Nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ và Forest Trends xây dựng Báo cáo Đầu tư Nước ngoài vào ngành Gỗ Việt Nam: Cập nhật đến hết tháng 9 năm 2019. Báo cáo có mục tiêu:
Cập nhật các loại hình đầu tư FDI trong ngành gỗ, bao gồm (i) các dự án đầu tư mới, (ii) các dự án tăng vốn và (iii) dự án góp vốn thông qua mua cổ phần.
Tìm hiểu thực trạng các loại hình đầu tư theo nhóm sản phẩm, theo quốc gia đầu tư và địa phương đón nhận đầu tư.
Đưa ra một số cảnh báo và các kiến nghị chính sách, nhằm giảm rủi ro trong đầu tư FDI vào ngành gỗ trong bối cảnh của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Để biết thông tin chi tiết của báo cáo, vui lòng tải toàn văn báo cáo tại đây
Theo Gỗ Việt