- Tin Tức

Cơ hội để ngành gỗ thay đổi theo hướng phát triển bền vững

Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành gỗ. Nhưng đây cũng là cơ hội thúc đẩy ngành gỗ thay đổi để phát triển bền vững hơn khi đại dịch đi qua.

Nguy cơ giảm mạnh tăng trưởng

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, giá trị xuất khẩu đạt 2,577 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, sang tháng 4, xuất khẩu gỗ đã bắt đầu sụt giảm mạnh. Trong nửa đầu tháng 4, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 324 triệu USD, giảm gần 22% so với nửa đầu tháng 4/2019.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, nhận định, trong những tháng tới, giá trị xuất khẩu gỗ vẫn có nguy cơ giảm sâu. Nhiều doanh nhân ngành gỗ cũng cho rằng, năm nay, tăng trưởng xuất khẩu gỗ có thể chỉ bằng 0, thậm chí là âm.

Thông tin từ các doanh nghiệp cho thấy, đã có tới hơn 80% nhà nhập khẩu từ Mỹ (chiếm 50% thị phần đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam) và EU thông báo giãn, dừng hoặc hủy đơn hàng. 60 – 80% nhà nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng đã yêu cầu giao hàng chậm hoặc hủy đơn hàng.

Xuất khẩu gặp khó khăn lớn đã tác động mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp gỗ. Khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), thực hiện cuối tháng 3 vừa qua, với 124 doanh nghiệp ngành gỗ, cho thấy 7% doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, 51% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, 35% doanh nghiệp mặc dù đang hoạt động bình thường nhưng sẽ tạm ngừng trong thời gian tới, và chỉ có 7% doanh nghiệp cho biết vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Sẵn sàng tăng tốc sau dịch

Trong bối cảnh ấy, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang vận động một cách tích cực theo phương châm phải tự cứu lấy mình.

Đó là củng cố nhà máy, xây dựng lại cơ cấu sản phẩm, tìm các giải pháp phân phối phù hợp với tình hình mới, chuẩn bị gỗ nguyên liệu, vật liệu phụ trợ, tổ chức lại các chuỗi cung đã bị đứt gãy do dịch bệnh…, nhằm sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất, tăng tốc xuất khẩu ngay sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát ở các thị trường quan trọng.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (Hawa), cho rằng, việc cố gắng duy trì sản xuất như trên là cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam.

Bởi do đóng cửa dài ngày vì dịch bệnh, các doanh nghiệp gỗ ở Trung Quốc và nhiều doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ ở Việt Nam, khi quay lại thị trường, sẽ có khởi động chậm hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang duy trì sản xuất.

Bởi vậy, dù phải giảm công suất do thiếu đơn hàng, công ty của ông Khanh vẫn liên tục gửi thư cho các đối tác để khẳng định rằng công ty luôn sẵn sàng sản xuất ngay khi có đơn hàng trở lại. Điều này sẽ khiến cho các nhà nhập khẩu nghĩ tới công ty ngay khi họ trở lại thị trường.

Cơ hội để đổi thay

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho ngành gỗ phải nhìn lại và có định hướng phát triển một cách ổn định và bền vững trong lâu dài, trước hết là về thị trường và sản phẩm.

Thực tế trong bối cảnh rất khó khăn của ngành gỗ do Covid-19, vẫn có những doanh nghiệp đang tiếp tục sản xuất bình thường. Nguyên nhân đầu tiên là do những doanh nghiệp này có thị trường khá rộng.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Cty TNHH Hiệp Long (Bình Dương), cho biết, công ty của ông có thị trường trải rộng từ Bắc Mỹ tới châu Âu, Trung Đông, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan, Úc, New Zealand… Khi thị trường này bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thì vẫn bán được hàng sang thị trường khác. Nhờ vậy, cho đến thời điểm này công ty vẫn hoạt động bình thường.

Những doanh nghiệp đang sản xuất bình thường, cũng nhờ có cơ cấu sản phẩm hợp lý. Ông Đỗ Xuân Lập nhận xét, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ổn định trong đại dịch, nhờ đã đi vào những dòng sản phẩm có độ ổn định cao ở các thị trường trọng điểm.

Về sản phẩm, ông Lập cho biết, nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới.

Đây chính là nhóm sản phẩm chiến lược và vẫn có nhu cầu khi dịch bệnh lan tràn ở nhiều thị trường trọng điểm, trong khi các nhóm đồ gỗ khác đã gần như bị mất nhu cầu. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn tới nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lại chuỗi cung xuất khẩu gỗ là rất cần thiết. Đại dịch đã cho thấy chuỗi cung xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang khá mong manh. Do phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu (sơn, keo, vani…) nhập khẩu từ Trung Quốc, khi nước này xảy ra dịch bệnh, nhiều nhà máy gỗ Việt Nam đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nguồn cung nguyên phụ liệu bị đứt gãy.

Thay đổi phương thức bán hàng và phát triển thị trường nội địa cũng sẽ là những ưu tiên nhằm giúp cho ngành gỗ phát triển ổn định, bền vững hơn. Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung xuất khẩu gỗ khi các phương thức bán hàng truyền thống tại các thị trường trọng điểm phải dừng hoạt động nhằm đảm bảo giãn cách xã hội. Do đó, bán hàng online đang là xu hướng trong thương mại toàn cầu nói chung, thương mại đồ gỗ nói riêng.

Nắm bắt xu thế này, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết, BIFA đang hợp tác với Amazon và Alibaba trong việc chuyển đổi hình thức bán hàng. Hai đối tác này đang tiến hành các hoạt động đào tạo cho một số công ty thành viên của BIFA và kỳ vọng trong tương lai các bên sẽ phối hợp để hình thành kênh thương mại online về đồ gỗ.

Các doanh nghiệp ngành gỗ đang mong muốn sớm tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, đến thời điểm này, các doanh nghiệp ngành gỗ gần như chưa tiếp cận được với chính sách nói trên.

Theo khảo sát của Viforest, trong khi các thị trường xuất khẩu hầu như đóng băng, thị trường nội địa vẫn đang tiếp tục hoạt động mặc dù có sự suy giảm mạnh về quy mô.

Điều này cho thấy, thị trường nội địa có độ ổn định và đặc biệt có sức chống chịu đối với đại dịch tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu.

Do đó, Chính phủ và ngành gỗ cần dành sự quan tâm xứng đáng cho thị trường nội địa. Chiến lược phát triển ngành gỗ trong thời gian tới không chỉ chú trọng vào mở rộng xuất khẩu mà cần có các cơ chế, chính sách và hoạt động nhằm phát triển bền vững thị trường nội địa.

Theo Thanh Sơn – Báo Nông Nghiệp

About fpabinhdinh

Read All Posts By fpabinhdinh