(Theo tin Chinhphu.vn) Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa lên tiếng về việc mặt hàng gỗ ghép thanh xuất khẩu bị áp sai mã HS, khiến mặt hàng này đang phải chịu mức thuế xuất ở mức 25% như đối với xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu thô.
Mã HS là mã phân loại của hàng hóa theo quy chuẩn quốc tế, dùng để xác định thuế suất xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, vừa qua, Tổng cục Hải quan có văn bản số 4250/TB-TCHQ ngày 24/6/2020 về kết quả phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Mộc Cát Tường.
Theo đó, Tổng cục Hải quan kết luận, áp mặt hàng gỗ ghép thanh của Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Mộc Cát Tường vào mã HS 4407 khi khai báo xuất khẩu. Theo quy định, sản phẩm được quy vào mã HS 4407 là mặt hàng gỗ nguyên liệu và hiện đang chịu thuế xuất khẩu 25%. Trong khi đó, cũng theo kết quả kiểm tra của Tổng cục Hải quan số 377/TB-KĐ ngày 13/3/2019 đối với mặt hàng này khi làm thủ tục xuất khẩu thì lại được ghép mã khai báo là HS 4418. Hiện, mức thuế xuất khẩu áp với mã HS 4418 là 0%.
Gỗ ghép thanh là sản phẩm “tinh” hay “thô”?
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, không chỉ sản phẩm của Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Mộc Cát Tường mà nhiều doanh nghiệp khác kinh doanh gỗ ghép ván đang cùng bị áp mức thuế này. Đứng trước hiện tượng này, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có giải trình: Gỗ ghép thanh cùng với các loại ván khác như ván sàn, ván sợi, ván dăm, gỗ dán… là các sản phẩm được phân loại là ván gỗ nhân tạo theo TCVN 11205:2015 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC89 Ván gỗ nhân tạo biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Tại văn bản số 9365/BTC ngày 1/7/2009 của Bộ Tài chính về xuất khẩu tấm gỗ ghép thanh thành tấm nêu rõ: “Các loại gỗ đã nêu như mô tả tại nhóm 44.07 được tiếp tục ghép theo chiều ngang thành các tấm lớn… thuộc các nhóm từ 4418 đến 4421, thuế suất thuế xuất khẩu bằng 0%”.
Cùng với Thông tư trên, theo Nghị định 57/2020 ngày 25/05/2020 của Thủ tướng chính phủ về sửa đổi Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi và chú giải Hải quan ban hành theo Công văn số 5563/TCHQ –TXNK ngày 25/9/2018 thì: Mặt hàng gỗ xẻ (HS 4407) là “Gỗ đã cưa hoặc xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, đã hoặc chưa bào, chà nhám hoặc gỗ ghép nối đầu, có độ dày trên 6 mm”.
Đối với gỗ xẻ ghép nối đầu, theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11687:2016 và ISO 10983:2014, ghép nối đầu là mối ghép đầu tạo thành bằng cách gia công hai đầu ghép có dạng ngón đối xứng giống nhau, được vuốt thon và dán dính lại bằng keo dán.
Đối với mặt hàng gỗ ghép thanh, là mặt hàng đã qua các công đoạn chế biến sau: Gỗ tròn sau đó cắt khúc, xẻ ván, sấy ván, xẻ thanh, gia công thanh, cắt ngắn… và qua nhiều công đoạn khác mới đến xử lý sản phẩm.
Với quy trình sản xuất trên, gỗ ghép thanh là 1 một mặt hàng đã qua chế biến, không phải là sản phẩm đơn giản. Gỗ ghép thanh được ứng dụng rất đa dạng, sử dụng làm đồ gỗ xây dựng và đồ gỗ nội ngoại thất, mặt bàn, ván sàn…
Hơn thế nữa, để làm ra 1 m3 gỗ ghép thanh thành phẩm cần sử dụng từ 1,7-1,8 m3 gỗ xẻ. Với mức giá gỗ xẻ keo hiện bán trên thị trường từ 3,1-3,2 triệu/m3 khi hoàn thiện sản phẩm thì giá gỗ ghép thanh bán với mức giá trung bình trên 10 triệu/m3 đối với sản phẩm có chất lượng thấp và với sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu thì mức giá dao động từ 850-1.500 USD/m3.
Như vậy, mặt hàng gỗ ghép thanh là sản phẩm đã qua chế biến, là sản phẩm “tinh”. Chính vì vậy không phải là mặt hàng gỗ nguyên liệu cần hạn chế xuất khẩu và bị áp mức thuế 25% là không thỏa đáng.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ảnh hưởng đến người trồng rừng
Hằng năm, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ ghép thanh đã đóng góp trên 320 triệu USD/năm vào giá trị xuất khẩu của ngành gỗ, chiếm hơn 3% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thực chất việc áp thuế gỗ ghép thanh không quá ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, với đặc thù loại hoàng hóa này được tiêu dùng phổ thông trong cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu nên ảnh hưởng rất nhiều đến người sản xuất và chế biến gỗ trên diện rộng. Sản xuất gỗ ghép thanh với nguyên liệu đầu vào là gỗ xẻ góp phần giải bài toán đầu ra cho người trồng rừng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa nơi tập trung trên 1,1 triệu dân trồng rừng. “Chuỗi phát triển rừng bị ảnh hưởng lớn về đầu ra, phát triển rừng sẽ hạn chế, nguồn cung thừa sẽ ảnh hưởng sâu sắc nhất đến đời sống người trồng rừng”, ông Lập nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT cả nước có trên 2.000 hộ gia đình đang tham gia vào khâu xẻ gỗ, tập trung ở các vùng như Đông Bắc (1.071 hộ); Bắc Trung Bộ (279 hộ); Đồng bằng sông Hồng (460). Phát triển sản xuất gỗ ghép góp phần giảm chi phí vận chuyển gỗ tròn về vùng có các nhà máy chế biến gỗ và mang lại giá trị gia tăng cho ngành chế biến gỗ. Đồng thời sản xuất mặt hàng này giúp giải quyết vấn đề nguyên liệu lãng phí trong ngành gỗ, tận dụng được tối đa nguyên liệu và giải bài toán cây gỗ lớn đối với ngành lâm nghiệp.
Nhìn nhận về câu chuyện này, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng khẳng định: “Gỗ ghép thanh không những là sản phẩm “tinh” mà còn là sản phẩm công nghệ cao. Cần các máy móc thiết bị hiện đại để cho ra các ván ghép này chứ không dùng công nghệ lạc hậu được”.
Sau khi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam có giải trình cụ thể, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã ký công văn gửi Bộ Tài chính về vấn đề này. Công văn nêu rõ: “Bộ NN&PTNT thấy rằng việc Tổng cục Hải quan áp dụng mã hàng hóa của ván ghép thanh theo mã HS 4407 là không phù hợp với Thông tư 65 cũng như ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản số 9365/BTC ngày 1/7/2009. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan không điều chỉnh mà vẫn áp mã hàng xuất khẩu 4418 đối với ván ghép thanh và các sản phẩm đồ mộc có sử dụng ván ghép thanh như hiện nay”.
(Theo Chinhphu.vn) – Đỗ Hương