- Tin Tức

Cần hình thành và thực hiện các cơ chế giảm thiểu rủi ro nguồn cung gỗ dán

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, hàng năm Việt Nam bỏ ra khoảng 170 triệu USD để nhập gần 400 nghìn m3 gỗ dán sử dụng cho chế biến đồ gỗ. 5 tháng năm 2020, nhập khẩu gỗ dán của Việt Nam đạt trên 64,6 triệu USD. Nhập khẩu gỗ dán vào Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh kèm theo đó là những rủi ro cho ngành gỗ. Hình thành và thực hiện các cơ chế giảm thiểu rủi ro nguồn cung gỗ dán được các chuyên gia khuyến nghị.

Nhập khẩu có xu hướng tăng nhanh

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, nguồn cung gỗ dán từ nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam. Sau khi được nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam, luồng cung này được hòa vào với nguồn cung được sản xuất trong nước, từ đó đi vào kênh sản xuất các mặt hàng như ván sàn, đồ gỗ xây dựng, đồ gỗ, tủ bếp và một số mặt hàng khác phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đến nay, gỗ dán là 1 trong 5 mặt hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam. Hàng năm Việt Nam bỏ ra khoảng 170 triệu USD để nhập gần 400 nghìn m3 gỗ dán sử dụng cho chế biến đồ gỗ.

Đáng chú ý, nhập khẩu gỗ dán vào Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2017, với mức tăng của năm này lần lượt là 18% về lượng và 26% về giá trị so với năm 2016. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu trên 452,3 nghìn m3 gỗ dán, tăng 19% so với năm 2017. Trong năm 2019, Việt Nam nhập gần 520 nghìn m3 gỗ dán, tăng 15% so với năm 2018. Trong 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu gỗ dán của Việt Nam đạt trên 64,6 triệu USD, chiếm 7,1% tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam (trên 914,14 triệu USD). Do tác động của dịch Covid-19, nhập khẩu gỗ dán trong 5 tháng đầu năm 2020 giảm 17% về giá trị và 12,1% về lượng so với cùng kỳ năm 2019.

Việt Nam nhập khẩu gỗ dán từ trên 35 thị trường khác nhau, nhưng chủ yếu từ 3 thị trường chính là Trung Quốc, Indonesia và Nga. Lượng và kim ngạch nhập từ 3 quốc gia này chiếm trên 90% giá trị và lượng nhập của cả Việt Nam hàng năm. Trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ dán quan trọng nhất của Việt Nam. Tỷ trọng nhập từ thị trường này chiếm trung bình trên 86% tổng lượng gỗ dán nhập khẩu. Năm 2019, Việt Nam nhập trên 474,4 nghìn m3, tương đương với 188,2 triệu USD, chiếm trên 92,3% về lượng và 88% về giá trị. Trong 5 tháng đầu năm 2020, nhập trên 144,9 nghìn m3, ứng với 55,2 triệu USD, chiếm 89% về lượng và 85% về giá trị. So với 5 tháng 2019 lượng gỗ dán nhập khẩu từ thị trường này giảm 14% về lượng và 19% về giá trị. Cùng với sự giảm về lượng và giá trị thì giá nhập khẩu trung bình gỗ dán từ thị trường này cũng giảm từ 424 USD/m3 vào năm 2018 còn 397 USD/m3 vào năm 2019 và 5 tháng 2020 mức giá trung bình là 381 USD/m3.

Tiếp đó là các thị trường Indonesia, trong 5 tháng đầu năm 2020 Việt Nam nhập trên 3,7 nghìn m3 gỗ dán từ thị trường này, chiếm 5% tổng lượng nhập. Liên bang Nga, trong 5 tháng đầu năm 2020 thị trường này cung cấp cho Việt Nam trên 3,7 nghìn m3, đạt giá trị 1,9 triệu USD, chiếm 2% về lượng và 3% về giá trị.

Nguồn số liệu nhập khẩu từ cơ quan Hải quan cho thấy, năm 2019, Việt Nam có 620 DN trực tiếp tham gia nhập khẩu gỗ dán vào Việt Nam, với tổng lượng nhập khoảng 518,7 nghìn m3. Trong đó, có 6 DN có lượng nhập trên 10.000 m3. Tổng lượng nhập của 6 DN này chiếm 24% trong tổng lượng nhập của cả năm. 11 DN có lượng nhập từ 5.000 – dưới 10.000/m3. Lượng nhập từ nhóm này chiếm 14% tổng lượng gỗ dán nhập khẩu năm 2019. 101 DN nhập với lượng từ 1.000 – dưới 5.000 m3. Lượng nhập từ nhóm này chiếm 42% tổng lượng gỗ dán nhập khẩu năm 2019. 502 DN có lượng nhập dưới 1.000 m3. Lượng nhập từ nhóm này chiếm 19% tổng lượng gỗ dán nhập khẩu năm 2019.

Khoảng 20% trong tổng lượng gỗ dán sản xuất ở Việt Nam được đưa vào làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam. Con số này có thể bao gồm một phần lượng gỗ dán nhập khẩu, sau khi nguồn nhập khẩu này được “hòa” vào với nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin về phương thức và tỷ lệ “hòa” giữa luồng cung nhập khẩu và luồng cung trong nước đối của mặt hàng này. Gỗ dán được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các mặt hàng khác như ván sàn, đồ gỗ (ví dụ như sử dụng là vách ngăn tủ, mặt bàn,…), tủ bếp và một số mặt hàng khác.

Cùng với nguồn nhập khẩu, năm 2019 tổng sản lượng gỗ dán sản xuất trong nước đạt khoảng 3,07 triệu m3. Khoảng 66% trong số này (2,03 triệu m3) được xuất khẩu trực tiếp. Phần còn lại được sử dụng trong nước.

Hình thành và thực hiện các cơ chế giảm thiểu rủi ro nguồn cung

Ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia Tổ chức Forest Trend – nhận định, hiện có ít nhất 4 loại hình rủi ro hiện đang tồn tại trong chuỗi cung gỗ dán của Việt Nam. Cụ thể, rủi ro từ khâu nguyên liệu gỗ rừng trồng đầu vào tới khâu sản xuất ván bóc; rủi ro trong khâu từ sản xuất ván bóc tới gỗ dán; rủi ro trong pha trộn giữa nguồn cung trong nước và luồng cung nhập khẩu; rủi ro trong khâu từ gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các mặt hàng khác phục vụ xuất khẩu.

Đáng chú ý, theo ông Tô Xuân Phúc, rủi ro đối với mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành hiện thực. Các rủi ro này có thể lan rộng trong tương lai trên cả 2 phương diện: Về thị trường xuất khẩu (thêm số quốc gia quyết định điều tra) và mở rộng điều tra đối với một số mặt hàng mới có sử dụng nguồn gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào (như mặt hàng tủ bếp) được xuất sang một thị trường cụ thể.

Do đó, việc hình thành và thực hiện các cơ chế giảm thiểu rủi ro trên cả 2 phương diện này là một việc hết sức cấp bách và cần thiết đối với các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là đối với các bên đang trực tiếp tham gia chuỗi cung gỗ dán, cũng như các chuỗi cung có sử dụng gỗ dán làm nguồn nguyên liệu đầu vào.

Gỗ dán hiện đang được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các mặt hàng khác như ván sàn, đồ gỗ, tủ bếp… phục vụ xuất khẩu. Rủi ro trong các khâu đầu của chuỗi cung gỗ dán, bao gồm trong cả khâu sản xuất và pha trộn nguồn cung nhập khẩu và nội địa làm sản sinh ra rủi ro trong khâu xuất khẩu các mặt hàng sử dụng nguyên liệu gỗ dán. Để giảm thiểu rủi ro trong khâu này, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho rằng, cần nghiên cứu về thực trạng chuỗi cung đồ gỗ có sử dụng gỗ dán là nguồn nguyên liệu hiện nay.

Đánh giá này nên bắt đầu bằng việc lựa chọn các nhóm mặt hàng chính có sử dụng gỗ dán nguyên liệu, từ đó đánh giá các thông tin chi tiết về thực trạng sử dụng nguồn cung đầu vào, sản phẩm và thị trường đầu ra. Bên cạnh đó, cần tổ chức hội thảo, tọa đàm, chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp hiện đang tham gia trong các chuỗi cung sử dụng gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào, và giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, nhằm nắm bắt được thực trạng về rủi ro, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra các cơ chế giảm thiểu rủi ro. Khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong trong việc chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu gỗ dán, từ luồng cung không rõ ràng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sang các luồng cung rõ ràng, với các thông tin về nguyên liệu, đầu ra, đầu vào mà doanh nghiệp hoàn toàn đánh giá và kiểm soát được về tính pháp lý và sự tuân thủ các yêu cầu pháp lý của các bên cung nguyên liệu này.

“Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp sẽ không chỉ góp phần giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung gỗ dán hiện tại mà còn cả trong các chuỗi cung khác sử dụng gỗ dán là nguyên liệu đầu vào để sản xuất ra các mặt hàng xuất khẩu. Điều này sẽ góp phần giúp ngành gỗ dán và các ngành liên quan phát triển bền vững trong tương lai”, ông Đỗ Xuân Lập nói.

Theo Nguyễn Hạnh – Báo Công Thương

About fpabinhdinh

Read All Posts By fpabinhdinh