(BĐ) – Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tại buổi làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) vào chiều 19.6 về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024 và những khó khăn, vướng mắc phát sinh cần sự hỗ trợ của tỉnh.
Báo cáo của FPA Bình Định cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, các thành viên Hiệp hội đã có nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu của FPA Bình Định khoảng 574,2 triệu USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm khoảng 65% tổng giá trị xuất khẩu của toàn tỉnh; giá trị nhập khẩu ước đạt 17,93 triệu USD, tăng 22%. Tuy vậy, hiện thị trường xuất khẩu gỗ vẫn còn bị thu hẹp, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều DN thiếu nguyên liệu sản xuất, trong khi đó điều kiện về hồ sơ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu gỗ của Liên minh châu Âu, Mỹ ngày càng nghiêm ngặt
Cùng với đó nhiều DN gặp khó khăn trong việc thực hiện các quy định về PCCC; xin cấp phép giấy phép môi trường cũng gặp nhiều trở ngại; công tác đào tạo công nhân cho ngành gỗ trên địa bàn tỉnh thiếu và yếu; việc tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho lĩnh vực lâm sản còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, tuần suất thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về lao động, công đoàn, xây dựng, PCCC, môi trường… của các ngành chức năng quá dày, tạo áp lực và tiêu tốn nhiều thời gian của DN.
Những yếu tố nói trên đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp của DN ngành gỗ cho tỉnh, từ đó FPA Bình Định kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ giải quyết khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư phát triển.
Đánh giá cao sự nỗ lực và đóng góp quan trọng của FPA Bình Định đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các ngành tích cực hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho các DN thành viên FPA Bình Định.
Về định hướng phát triển của tỉnh đối với lĩnh vực lâm nghiệp và chế biến các sản phẩm từ gỗ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Tỉnh luôn khuyến khích, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn. Hiện UBND tỉnh yêu cầu các công ty lâm nghiệp của tỉnh phát triển trồng rừng gỗ lớn và các DN thành viên FPA Bình Định cũng nên tích cực tham gia. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích DN đầu tư chế biến sâu và phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ cao, nhằm tận dụng tối đa tất cả các nguyên liệu hiện có, hạn chế tối đa xuất khẩu thô, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản xuất, tạo nguồn thu ngân sách. FPA Bình Định cần nắm bắt định hướng phát triển của tỉnh để điều chỉnh chiến lược đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Các DN nên tập trung chế biến sâu, ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển các ngành hỗ trợ thêm cho ngành gỗ, tạo chuỗi liên kết khép kín; quan tâm đến đời sống người lao động, tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, nâng cao vai trò của FPA Bình Định. Tiếp tục tổ chức Hội chợ quốc tế hàng gỗ phong cách ngoài trời thường niên tại Bình Định.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ngành của tỉnh hạn chế công tác thanh kiểm tra, làm phiền các DN. Sở LĐ-TB&XH quan tâm đến công tác đào tạo nghề, cung cấp lao động có tay nghề cho DN. Cơ quan BHXH tỉnh lưu ý đến công tác BHXH, các DN cũng cần chấp hành nghiêm Luật BHXH, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động. Về vấn đề PCCC và môi trường tại các DN, lãnh đạo tỉnh đề nghị các đơn vị có liên quan ngồi lại với các DN, cùng bàn bạc hướng giải quyết. Cảng Quy Nhơn cũng cần xem lại quy trình tàu ra vào cảng, tạo điều kiện tối đa cho các tàu vào xuất nhập hàng hóa nhanh và công khai, minh bạch cho DN biết.
Liên quan đến lĩnh vực tín dụng và thuế, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết sẽ làm việc với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh với sự tham gia của FPA Bình Định để đề cập sâu hơn các vấn đề có liên quan.
Theo Tiến Sỹ – Báo Bình Định