- Tin Tức

Tìm cơ hội, giải pháp phát triển ngành gỗ bền vững

Diễn ra từ ngày 9 – 12.3, Hội chợ Quốc tế đồ gỗ hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024 (Q-FAIR 2024) không chỉ trưng bày, kiến tạo cơ hội giao thương với đối tác trên thế giới mà còn là nơi gặp gỡ của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong nước và các bộ, ngành để tìm giải pháp cho sự phát triển bền vững cho ngành gỗ Việt Nam.

Q-FAIR 2024 do UBND tỉnh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định phối hợp tổ chức. Lễ khai mạc Q-FAIR 2024 diễn ra sáng 9.3 có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị; đại biểu các bộ, ngành Trung ương, tổ chức nước ngoài, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các tổ chức, hiệp hội, DN quốc tế và trong nước.

Lãnh đạo Trung ương, tỉnh Bình Định và các địa phương, cùng các hiệp hội, đối tác ngành gỗ trong nước và thế giới tham quan các gian hàng triển lãm tại Q- FAIR 2024.  Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Lãnh đạo Trung ương, tỉnh Bình Định và các địa phương, cùng các hiệp hội, đối tác ngành gỗ trong nước và thế giới tham quan các gian hàng triển lãm tại Q- FAIR 2024.  Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Về phía tỉnh Bình Định có các đồng chí: Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh.

Kênh xúc tiến thương mại hiệu quả

Q-FAIR 2024 là hội chợ chuyên đồ gỗ ngoài trời lần đầu tiên Việt Nam tổ chức, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc kết nối và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp gỗ. Q-FAIR 2024 quy tụ hơn 100 DN ngành gỗ trong và ngoài nước tham gia với gần 1.000 gian hàng, triển lãm các sản phẩm gỗ ngoại thất và phục vụ phong cách sống hiện đại.

Ông Lê Minh Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Trưởng Ban tổ chức Q-FAIR 2024, cho rằng không dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm và thương hiệu, Q-FAIR 2024 còn mở ra những cơ hội hợp tác, tìm kiếm giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng những đối tác chiến lược để vượt qua khó khăn, không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn trong môi trường kinh doanh nội địa, từ đó tạo nên những mối liên kết chiến lược và bền vững.

Q-FAIR 2024 là kênh xúc tiến thương mại – xuất khẩu hiệu quả giúp các DN ngành gỗ có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, là điểm hẹn của sự sáng tạo, đổi mới để các DN có thể tận dụng cơ hội này tìm kiếm những giải pháp tích cực, kết nối với đối tác tiềm năng và cùng nhau đưa ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam vượt qua mọi thách thức, vươn tới những đỉnh cao mới trên thị trường quốc tế.

Ngành gỗ tiếp tục khẳng định chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ đã và đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng, chủ lực trong nền kinh tế của Việt Nam. Mỗi năm, ngành gỗ xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á.

Sự tham gia của nhiều DN ngành gỗ trong nước và thế giới tại Q-FAIR 2024 được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao. Ông cho rằng, cùng với thành công của Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất – HawaExpo 2024 tại TP Hồ Chí Minh (ngày 6 – 9.3), Q-FAIR 2024 đang diễn ra tại Bình Định là hoạt động rất cần thiết để “lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ và lâm sản trong bối cảnh giá trị xuất khẩu lâm sản năm vừa qua sụt giảm chưa từng có trong lịch sử (đạt 14,47 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022)”.

Tích hợp đa giá trị cho sản phẩm gỗ

Tại Q-FAIR 2024, trong 2 ngày 9 – 10.3 diễn ra Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I/2024, cùng hội thảo chuyên ngành cho cộng đồng ngành gỗ. Những điểm nghẽn, khó khăn và thách thức của ngành gỗ Việt Nam cũng được đặt ra, đặc biệt khi xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng đầu năm 2024, song đang đối diện với khó khăn cả từ thị trường đến vấn đề nội tại.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ logistics, nguyên liệu, giá cả…, cạnh tranh thương mại khốc liệt. Một số thị trường chính về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, sản xuất xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính; nhiều nước đang muốn bảo hộ nền sản xuất trong nước và đưa ra quy định khắt khe.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề cập đến vấn đề hiện giá thành của sản phẩm ngành gỗ còn khá cao, bên cạnh đó là những rủi ro trong việc cấp chứng chỉ rừng cũng như truy xuất nguồn gốc gỗ. Bộ NN&PTNT cần phải có giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu.

Đồng tình với chia sẻ trên, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng sản xuất chuỗi của ngành gỗ trong nước yếu và đang phải cạnh tranh khốc liệt ngay trên “sân nhà”. “Giải quyết những vấn đề này, phải có sự đồng lòng từ Chính phủ, từ các bộ, ngành cho đến nỗ lực, đoàn kết của cộng đồng DN ngành gỗ Việt Nam”, ông Khanh đề xuất.

Rừng trồng gỗ lớn và chứng chỉ rừng bền vững (FSC) trở thành “câu chuyện nóng” của ngành gỗ Việt Nam. Chiều 10.3, thông tin tại hội thảo “Chứng nhận FSC CoC: Hành trang thiết yếu của DN ngành gỗ” cho hay, hiện cả nước có hơn 5.400 DN đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ. Đến cuối năm 2023, có 1.654 DN có chứng chỉ FSC CoC.

Theo ông Phạm Đình Sức, chuyên gia đánh giá của Tổ chức Đánh giá chứng nhận uy tín hàng đầu tại Việt Nam KNA CERT, diện tích rừng có chứng chỉ FSC là khoảng 282.960 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích rừng trồng tại Việt Nam, chủ yếu tập trung trong sản xuất đồ gỗ nội thất, viên nén và bột giấy.

“Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới. Hiện, với một số quốc gia phát triển, FSC là chứng chỉ bắt buộc nếu muốn đưa sản phẩm gỗ vào thị trường. Vì thế, ngành gỗ Việt Nam phải thay đổi, hướng tới mục tiêu phát triển nguyên liệu đảm bảo hợp pháp, nhằm thực hiện các cam kết và hành động vì mục tiêu net zero vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị  lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26). Bên cạnh các yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, việc sử dụng gỗ hợp pháp mà cao hơn là gỗ có chứng chỉ là hướng phát triển bền vững, dài lâu của ngành gỗ Việt Nam”, ông Sức nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị đề nghị: Các hiệp hội ngành gỗ và DN phải thống nhất quan điểm, để nâng cao giá trị sản phẩm thì phải tích hợp đầy đủ giá trị của sản phẩm đó. Hiện, các DN chế biến gỗ chưa phải thực hiện đo đếm lượng phát thải khí carbon, nhưng rất có thể trong tương lai không xa, các DN cũng phải thực hiện. Làm sao để giảm phát thải nhiều nhất và mang lại giá trị cao nhất? Việc này, ngay từ bây giờ, DN cần chủ động liên kết với người trồng rừng, để có nguyên liệu chủ động và tích hợp đa giá trị. Đồng thời, các DN cần kịp thời thông tin về các quy định, chia sẻ kỹ năng để có thể tránh được các rủi ro.

“Các DN chế biến đẩy mạnh liên kết với người trồng rừng, với các chủ rừng để phát triển rừng gỗ lớn. Việc này không chỉ người trồng rừng được hưởng lợi mà các DN cũng có thể chủ động được nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ, có nguồn gốc”, Thứ trưởng chia sẻ.

“Tôi tin tưởng Q-FAIR 2024 sẽ là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả; tạo ra nhiều kết nối, giao lưu, hợp tác đưa hình ảnh gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đến với khách hàng trên toàn thế giới, và thu hút khách hàng đến với gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam; giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024, thực hiện thành công mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD lâm sản vào năm 2025 của Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030. Bộ NN&PTNT cam kết luôn đồng hành cùng các DN, hiệp hội”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT NGUYỄN QUỐC TRỊ

 

“Nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định từ gỗ rừng trồng, Bình Định đã phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2035. Toàn tỉnh có gần 10.000 ha rừng trồng gỗ lớn; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC gần 15.000 ha. Đến năm 2030, diện tích rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn tập trung đạt trên 30.000 ha; tỷ lệ sản lượng gỗ lớn bình quân đạt trên 60%. Kết hợp với phương thức tổ chức sản xuất mới, theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư chế biến sâu, sản xuất và xuất khẩu sẽ giúp Bình Định sớm đạt được mục tiêu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao”.

Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM ANH TUẤN

Theo M .HOÀNG – H.YẾN – N.DŨNG – Báo Bình Định

About fpabinhdinh

Read All Posts By fpabinhdinh