Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 cầm chắc hơn 12 tỷ USD, vượt xa kỷ lục năm 2019. Đây là thành công lớn của ngành gỗ trong bối cảnh Covid-19.
Đối mặt thách thức lớn
Cũng như nhiều ngành hàng khác, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 từng có những lúc gặp khó khăn lớn do dịch bệnh Covid-19.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), vào nửa cuối tháng 3/2020, trên 80% các nhà mua đồ gỗ để xuất khẩu vào Mỹ đã thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng đợi tình hình mới; 81% doanh nghiệp đã nhận được thông báo hủy đơn và giãn đơn hàng xuất khẩu sang EU; các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm từ 60-80% đơn hàng…
Trong khi đó, cũng do dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc giá gỗ nguyên liệu tăng cao từ 10-20 USD/m3 do thiếu công nhân khai thác, thiếu container rỗng và giá cước tàu tăng từ 500-1.000 USD/container do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu…
Cũng vào thời điểm ấy, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các khách hàng đã không thể tới nhà máy duyệt mẫu, khiến cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam chưa thể ký được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020-2021.
Do đó, nhiều nhà máy tiềm ẩn nguy cơ đóng cửa và ngừng hoạt động, hàng trăm nghìn lao động đối mặt với tình trạng thất nghiệp, không đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động trong thời gian dài.
Tình hình ngành gỗ khi ấy khó khăn tới mức ngày 30/3/2020, Viforest đã phải gửi văn bản kiến nghị Chính phủ đưa nhiều phân ngành liên quan tới chế biến gỗ và lâm sản vào Dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế…
Chế biến gỗ XK tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Tùng Đinh.
Trong Báo cáo “Đối diện và vượt qua thách thức: Tác động của Đại dịch COVID-19 tới ngành gỗ và hướng đi mới của doanh nghiệp”, phát hành ngày 13/4/2020, nhóm tác giả Tô Xuân Phúc (Forest Trends), Cao Thị Cẩm (Viforest) và Trần Lê Huy (FPA Bình Định), cho biết:
Đại dịch đang và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực rất lớn tới tất cả các khâu trong chuỗi cung ngành gỗ, từ khâu xuất khẩu, sản xuất và tiêu thụ trong nước tới khâu nhập khẩu nguyên liệu; đại dịch đã làm toàn bộ các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc gần như đóng băng, dẫn đến doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc dừng sản xuất, hàng chục nghìn lao động phải nghỉ việc;
Đại dịch làm thu hẹp 70-80% quy mô hoạt động sản xuất của các làng nghề – một trong những kênh cung cấp đồ gỗ quan trọng hàng đầu cho thị trường nội địa; đại dịch làm các dự án sử dụng đồ gỗ xây dựng như các công trình dân sinh, khách sạn, nhà hàng dừng hoạt động; đại dịch làm luồng cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu giảm ít nhất 70% về lượng nhập.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy rõ tác động của Covid-19 tới ngành gỗ. Trong tháng 4/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt xấp xỉ 700 triệu USD, giảm tới 18,7% so với tháng 4/2019. Tháng 5/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 771,7 triệu USD, giảm 15,1% so với tháng 5/2019.
Hồi phục và tăng trưởng ngoạn mục
Sang tháng 6/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự hồi phục ngoạn mục khi đạt xấp xỉ 950 triệu USD, tăng 15,6% so với tháng 6/2019.
Đặc biệt, sang tháng 7/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lại vượt mốc 1 tỷ USD/tháng khi đạt 1,13 tỷ USD, tăng tới 29,6% so với tháng 7/2019. Nguyên nhân cho sự hồi phục nói trên là nhờ nhiều thị trường quan trọng đã nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ nội thất tăng lên khi người dân nhiều nước ở nhà nhiều hơn, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc khiến cho nhiều nhà nhập khẩu Mỹ chuyển từ mua đồ gỗ Trung Quốc sang mua đồ gỗ Việt Nam…
Tuy nhiên, tình hình khi ấy vẫn chưa thực sự khả quan. Trao đổi với Báo NNVN hồi tháng 8/2020, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho rằng “Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, tôi cho rằng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm nay khó đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra hồi đầu năm, mà chỉ có thể giữ được như năm ngoái hoặc tăng trưởng ở mức thấp”.
Chế biến gỗ XK tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Tùng Đinh.
Dầu vậy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ những tháng tiếp sau đó liên tục gây ấn tượng mạnh khi tháng nào cũng đạt hơn 1 tỷ USD, mà đỉnh cao là vào tháng 10 với kỷ lục 1,28 tỷ USD. Tháng 11 cũng xấp xỉ bằng kỷ lục của tháng 10 với 1,236 tỷ USD.
Nhờ vậy, đến hết tháng 11, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt hơn 11 tỷ USD. Với sự tăng trưởng ngoạn mục trong nửa cuối năm, dự kiến trong cả năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có thể đạt mức kỷ lục khoảng 12 tỷ USD, vượt tới hơn 1 tỷ USD so với với kỷ lục năm 2019 (10,64 tỷ USD).
Qua đó, giúp cho xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2020 chắc chắn vượt qua chỉ tiêu được giao là 12,5 tỷ USD.
Doanh nghiệp nhạy bén, thay đổi kịp thời
Lý giải về thành công lớn của ngành gỗ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề trên toàn cầu, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân hàng đầu là nhờ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh này.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, ngành gỗ Việt Nam hầu như không bị gián đoạn về sản xuất, không nhà máy nào bị phong tỏa vì có ca nhiễm bệnh Covid-19. Do đó, ngành gỗ Việt Nam không những vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu mà còn có thể lấp được vào chỗ trống do ngành gỗ ở nhiều nước bị gián đoạn sản xuất bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng, kịp thời của các doanh nghiệp gỗ trong quảng bá, bán hàng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh, đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng tốt của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, dịch bệnh khiến người dân nhiều quốc gia phải ở nhà nhiều hơn, nên nhu cầu mua sắm đồ nội thất, sửa sang nhà cửa tăng lên, nhu cầu mua sắm onlien cũng tăng, trong đó có đồ gỗ. Nắm bắt tình hình đó, nhiều doanh nghiệp gỗ đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua các kênh bán hàng trực tuyến trên toàn cầu như Amazon, Alibaba…
Ông Nguyễn Chánh Phương cho hay, ngay sau khi các sự kiện liên quan đến đồ gỗ buộc phải đóng cửa do dịch bệnh, Hawa đã triển khai triển lãm trực tuyến HOPE (HAWA Online Platform for Exhibition), nhằm kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ và nội thất Việt Nam với các nhà mua hàng quốc tế.
Thông quan HOPE, các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam thể hiện năng lực cạnh tranh thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, quy mô sản xuất và cung ứng toàn cầu một cách trực quan, chuyên nghiệp để gia tăng cơ hội bán hàng cho các thị trường quốc tế.
Chính vì vậy, khi ra mắt vào ngày 7/8/2020, HOPE đã quy tụ 50 showroom trực tuyến và dự kiến sẽ giới thiệu 100 showroom vào cuối năm 2020. Qua HOPE, nhiều doanh nghiệp đồ gỗ đã có thêm được đơn hàng từ các khách hàng quốc tế.
Chế biến gỗ XK tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Tùng Đinh.
6 tháng liên tục, tháng nào cũng đạt hơn 1 tỷ USD
Nửa cuối năm 2020 đánh dấu kỷ lục chưa từng có trong ngành gỗ, đó là liên tục trong 5 tháng liền, từ tháng 7 đến tháng 11, tháng nào cũng đạt hơn 1 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Cụ thể: Tháng 7 đạt 1,13 tỷ USD; tháng 8 đạt 1,15 tỷ USD; tháng 9 đạt 1,15 tỷ USD; tháng 10 đạt 1,28 tỷ USD; tháng 11 đạt 1,24 tỷ USD.
Nửa đầu tháng 12/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 618 triệu USD. Như vậy, trong cả tháng 12, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cầm chắc hơn 1 tỷ USD. Qua đó, lập kỷ lục 6 tháng liên tiếp, tháng nào cũng đạt hơn 1 tỷ USD.
Theo Thanh Sơn – Báo Nông Nghiệp