- Vận Chuyển

Kinh tế Mỹ đương đầu với thách thức nào trong quá trình hồi phục?

Gần đây, có thể thấy kinh tế Mỹ đã đón nhiều dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế, những người đã quá sợ hãi với sự khốc liệt của đợt khủng hoảng vừa rồi, đang đưa ra những yếu tố sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế.

Phần lớn hệ thống tài chính đã bị tàn phá, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng và doanh nghiệp, họ sẽ không thể vay được tiền trong nhiều năm tới. Các gia đình Mỹ tiết kiệm nhiều hơn và không còn sử dụng tiền vay nhiều như trước đây.

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, không khu vực nào trên thế giới có thể kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ. Kế hoạch kích cầu của chính phủ trong đó bao gồm chương trình cho vay của FED và chi tiêu của chính phủ có thể sẽ bị thu hẹp trước khi kinh tế hồi phục vững chắc.

Thông thường, sau thời kỳ đi xuống mạnh, kinh tế sẽ tăng trưởng rất nhanh. Điều này đã từng xảy ra sau thời kỳ suy thoái kinh tế 1981-1982, kinh tế thời kỳ này đi xuống mạnh nhất từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Thế nhưng sau đó kinh tế tăng trưởng ấn tượng suốt thập kỷ còn lại. Nhiều chuyên gia kinh tế đặt dấu hỏi về khả năng liệu kinh tế có tăng trưởng bùng nổ trong thời kỳ sắp tới.

Ông Martin Neil Baily, chuyên gia kinh tế tại viện Brookings, nhận xét: “Mô hình kinh tế truyền thống được xây dựng giống như mô hình dây cao su, bạn kéo mạnh và sẽ bật lại rất mạnh, thế nhưng lần này thật khó để nhìn thấy yếu tố dẫn đến từ hồi phục mạnh đến từ đâu.”

Nói cách khác, đợt suy thoái kinh tế lần này tệ hại, gây ảnh hưởng trên diện rộng đến nỗi mô hình dây cao su đã không còn hợp thời nữa.

Điều gì gây ra sự khác biệt này? Lần này, kinh tế đi xuống bởi sự sụp đổ của hệ thống tài chính, nhà đất và tín dụng.

Thông thường, suy thoái xảy ra khi các doanh nghiệp đầu tư quá mức hoặc FED bất ngờ nâng lãi suất cơ bản. Một khi trữ lượng hàng tồn kho vượt qua giai đoạn điều chỉnh hoặc FED hạ lãi suất, tăng trưởng hồi phục trở lại.

Những thời kỳ kinh tế đi xuống có nguyên nhân từ khủng hoảng tài chính thường có nhiều điểm khác biệt. Cỗ máy hệ thống tài chính chững lại, người ta không tiếp cận được với tín dụng và doanh nghiệp không thể vay tiền mở rộng sản xuất.

Chuyên gia kinh tế Carmen M. Reinhart và Kenneth Rogoff sau khi nghiên cứu 14 đợt khủng hoảng tài chính cho biết tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm trung bình 7% trong thời kỳ suy thoái kinh tế (tại Mỹ tỷ lệ thất nghiệp mới chỉ tăng thêm 4,7%), khủng hoảng kéo dài khoảng 4,8 năm (tính cho đến nay khủng hoảng đã kéo dài 2 năm).

Tăng trưởng sẽ hồi phục lại và nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng của kinh tế trong nửa sau của năm sẽ ở mức ổn định khi các công ty xây dựng lại lượng hàng tồn kho. Thế nhưng cho đến nay chưa rõ điều gì sẽ đến sau đó bởi xét đến tình trạng thắt chặt tín dụng.

Các ngân hàng Mỹ hiện đã phải gánh nhiều khoản lỗ, tình trạng các khoản vay trên thị trường bất động sản ngày một đi xuống, khả năng cấp tín dụng trong năm tới của các ngân hàng vì thế bị hạn chế. Thị trường thế chấp, vay tiêu dùng và bất động sản thương mại chưa thoát khỏi khó khăn, chưa ai có thể biết đến khi nào và liệu thị trường có thể hồi phục hay không.

Tất cả những yếu tố này khiến người dân cũng như các doanh nghiệp gặp nhiều cản trở khi vay tiền, đây sẽ là yếu tố ngăn kinh tế hồi phục.

Ông Reinhart, chuyên gia kinh tế tại đại học Maryland nhận xét: “Tín dụng khiến thị trường nhà đất, tiêu dùng, đầu tư doanh nghiệp bùng nổ. Tín dụng thắt chặt khiến khủng hoảng tài chính kéo dài hơn, tất cả những điều đó đang xảy ra lần này.”

Khủng hoảng và suy thoái kinh tế đang đảo ngược xu thế phổ biến trong xã hội Mỹ suốt 30 năm qua. Quý 1/2009, tỷ lệ nợ tiêu dùng lên tới 97% trong quý 1/2009 từ mức 45% vào năm 1975.

Hiện nay người Mỹ đang tiết kiệm nhiều hơn và trả nợ, tỷ lệ tiết kiệm đầu năm 2008 là 1,8% thu nhập sau thuế. Đến quý 2/2009, tỷ lệ này đã lên mức 5,2%.

Chuyên gia kinh tế học Nouriel Roubini, người đã từng dự báo chính xác khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nhận xét: “Lĩnh vực tiêu dùng chưa bao giờ căng thẳng đến như vậy. Tỷ lệ tiết kiệm ngày một cao và chắc chắn điều này sẽ cản trở tăng trưởng tiêu dùng ngay cả khi thu nhập người dân tăng trở lại.”

Mỗi đồng USD người Mỹ tiết kiệm đồng nghĩa với đồng USD đó sẽ không còn được tiêu dùng. Sản lượng của nền kinh tế giảm. Tính toán của McKinsey cho thấy khi tỷ lệ tiết kiệm tăng thêm 1%, chi tiêu giảm hơn 100 tỷ USD.

Ông Simon Johnson, chuyên gia kinh tế thuộc đại học MIT và là chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhận xét yếu tố kéo lùi Nhật trong thập niên 1990 chính là các công ty muốn giảm các khoản nợ và vì thế họ tiết kiệm nhiều hơn. Và theo ông, xét trên phương tiện tiêu dùng người dân, nước Mỹ đang trải qua tình trạng tương tự.

Những nước trải qua khủng khoảng tài chính thường đi theo một xu thế chung và sau đó tăng trưởng mạnh, thành công đó chủ yếu đến từ yếu tố bên ngoài. Nhóm nền kinh tế Đông Á hồi phục mạnh từ khủng hoảng tài chính 1997 – 1998 nhờ xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ khi kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh.

Thế nhưng ở thời điểm hiện nay, thị trường nào sẽ mua hàng của Mỹ?

Chuyên gia kinh tế học Mark Gertler thuộc đại học New York nhận xét: “Nhiều khu vực trên thế giới đang trải qua những vấn đề liên quan đến tín dụng và tiêu dùng như Mỹ.”

Kinh tế Mỹ đang trải qua giai đoạn điều chỉnh: giảm tiêu dùng và đầu tư vào bất động sản, cùng lúc đó tăng xuất khẩu và đầu tư doanh nghiệp.

Tiêu dùng người dân và đầu tư doanh nghiệp đã giảm. Dù vậy, xuất khẩu vẫn giảm 16% trong thời gian 1 năm qua khi thương mại toàn cầu xuống dốc, đầu tư doanh nghiệp đi xuống 20% bởi doanh nghiệp Mỹ hạn chế chi tiêu và việc tiếp cận tín dụng trở nên khó khăn hơn.

Chuyên gia nghiên cứu thuộc viện Brookings nhận xét: “Hơn hết, chúng tôi muốn nước Mỹ có thể đi theo định hướng xuất khẩu, tuy nhiên khi nền kinh tế các nước khác vẫn còn yếu, điều này khó khả thi.”

FED đã hạ lãi suất cơ bản đồng USD xuống 0% và cho biết sẽ duy trì mức lãi suất đó trong khoảng thời gian dài. Ngoài ra, FED còn mua khoảng 1,5 nghìn tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng tài sản để giảm tỷ lệ lãi suất dài hạn và đưa ra chương trình khuyến khích cho vay.

Để ngăn lạm phát tăng cao trong những năm tới, Ngân hàng Trung ương cuối cùng cũng sẽ phải rút bớt những chương trình này và nâng lãi suất. Khi ngày đó đến, sự phục hồi sẽ bị cản trở.

Lãnh đạo FED hy vọng kết thúc những chương trình kích thích kinh tế đúng thời điểm – đó là khi nền kinh tế đủ khả năng tăng trưởng mạnh ngay cả khi FED nâng lãi suất. Thế nhưng nếu kỳ vọng lạm phát vượt quá tầm kiểm soát, họ sẽ phải hành động sớm hơn.

Lộ trình điều chỉnh chính sách tài khóa còn khó đoán hơn. Mức thâm hụt ngân sách năm 2009 dự kiến tương đương 12% GDP, doanh thu thuế giảm, chính phủ phải chi tiêu quá nhiều để cứu kinh tế.

Chính quyền Tổng thống Obama đã đưa ra mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống tương đương 3% GDP trong những năm tới. Quá trình này sẽ hết sức khó khăn, một nền kinh tế đang tăng trưởng sẽ phải nâng doanh thu thuế, kế hoạch kích thích tiền tệ và tài khóa sẽ tự động chấm dứt.

Thế nhưng nếu nền kinh tế vẫn khó khăn, chính quyền và Quốc hội Mỹ sẽ đương đầu với nhiều khó khăn và khó điều chỉnh chính sách hơn.

Nguồn: CafeF.