- Tin Ngành

Nhập khẩu gỗ bạch đàn 4 tháng đầu năm 2009 giảm

Giá nhập khẩu gỗ bạch đàn tháng 4 trung bình ở mức 194 USD/m3, thấp hơn so với mức giá nhập tháng trước 24%. Giá nhập khẩu gỗ bạch đàn tháng 4/2009 thấp hơn hẳn so với tháng 3 do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu từ thị trường Papua New Guinea. Lượng gỗ bạch đàn nhập khẩu từ thị trường Papua New Guinea tháng 4/2009 đạt tới trên 18 nghìn m3. Nhập khẩu gỗ bạch đàn từ thị trường Braxin cũng tăng gấp đôi so với 2 tháng trước đạt 6.959 m3, kim ngạch đạt 2,23 triệu USD. Các thị trường cung cấp gỗ bạch đàn lớn tiếp theo là Urugoay và Nam Phi.

Nguồn cung gỗ bạch đàn cho Việt Nam trong tháng 4/2009 (tỷ trọng tính theo trị giá)

Uguroay 10,1%
Braxin 36,4%
Nam Phi 8,8%
Nhật Bản 0,3%
Papua New Guinea 41,7%

Trong cơ cấu các thị trường cung cấp gỗ bạch đàn cho Việt Nam trong tháng 4/2009, thì đứng đầu là thị trường Papua New Guinea  với lượng nhập khẩu từ thị trường này của Việt Nam trong tháng 4/2009 đạt 18,2 nghìn m3, trị giá 2,6 triệu USD, tăng 31,9% về lượng, nhưng lại giảm nhẹ về trị giá so với cùng kỳ năm 2008. Đáng chú ý là liên tục trong tháng 2 và tháng 3, Việt Nam không nhập khẩu lô hàng gỗ bạch đàn nào từ thị trường Papua New Guinea , thì sang tháng 4, lượng gỗ bạch đàn nhập khẩu từ thị trường này đã bất ngờ tăng mạnh, đạt cao nhất từ trước đến nay.

Trong tháng 4, đơn giá trung bình của mặt hàng gỗ bạch đàn tròn nhập khẩu từ thị trường Papua New Guinea đã giảm mạnh chỉ đạt 135,73 USD/m3-CIF, đây là mức giá nhập khẩu thấp nhất từ thị trường này kể từ đầu năm 208 đến nay. So với các thị trường khác, thì giá gỗ bạch đàn tròn nhập khẩu từ thị trường Papua New Guinea thấp hơn rất nhiều, chính điều này đã kích thích các nhà nhập khẩu tăng lượng nhập khẩu từ thị trường Papua New Guinea.

Kế đến là thị trường Braxin, trong tháng 4/2009 lượng gỗ bạch đàn của Việt Nam nhập từ Braxin đạt gần 7 nghìn M3, trị giá 2,2 triệu USD,tăng 105,9% về lượng và tăng 114,4% về trị giá so với tháng trước. Tính chung, trong 4 tháng đầu năm 2009, lượng gỗ bạch đàn của Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Braxin đạt 21,1 nghìn m3, trị giá 6,7 triệu USD, giảm 49,3% về lượng và giảm 51,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Gỗ bạch đàn nhập khẩu từ thị trường Braxin là loại gỗ xẻ. Giá gỗ bạch đàn nhập khẩu trung bình từ thị trường Braxin trong tháng 4/2009 đạt 319,59 USD/m3 – FOB, tăng 12,45 USD/m3 so với tháng trước và tăng 32,82 USD/m3 so với tháng 4/2008. Tính chung, giá gỗ bạch đàn xẻ nhập khẩu từ thị trường Braxin trong 4 tháng đầu năm 2009 đạt 317,06 USD/m3-FOB, tăng 12,81 USD/m3 so với giá nhập khẩu trung bình từ thị trường này trong năm 2008.

Lượng gỗ bạch đàn nhập khẩu từ thị trường Urugoay trong tháng 4/2009 đạt 3,4 nghìn m2, trị giá 619 nghìn USD, tăng 41,7% về lượng và tăng 39,7% về trị giá so với tháng trước. Tính chung, trong 4 tháng đầu năm 2009,lượng gỗ bạch đàn nhập khẩu từ thị trường Urugoay đạt 12 nghìn m3, trị giá 2,4 triệu USD, giảm 72,2% về lượng và giảm 68,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2008. Giá gỗ bạch đàn tròn nhập khẩu từ thị trường Urugoay trong tháng 4 đạt 163,01 USD/m3-CIF, tăng 2,11 USD/m3 so với giá nhập khẩu trung bình của tháng 3. Như vậy, liên tục trong 2 tháng gần đây, giá gỗ bạch đàn tròn nhập khẩu từ thị trường Urugoay tăng. Giá nhập khẩu trung bình của mặt hàng gỗ bạch đàn xẻ nhập khẩu từ thị trường Urugoay trong tháng 4 đạt 330,71 USD/m3-FOB, giảm 19 USD/m3 so với giá nhập khẩu của tháng trước.

Lượng gỗ bạch đàn nhập khẩu từ thị trường Nam Phi trong tháng 4 đạt gần 2,8 nghìn m3, trị giá 537 nghìn USD, tăng 126,2% về lượng và tăng 104,2% về trị giá so với tháng trước. Tính chung, trong 4 tháng đầu năm 2009, lượng gỗ bạch đàn của Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Nam Phi đạt 7,56 nghìn m3, trị giá 1,5 triệu USD, gảim 44,7% về lượng và giảm 40,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2008. 88% lượng gỗ bạch đàn nhập khẩu từ thị trường Nam Phi là gỗ tròn. Giá nhập khẩu gỗ bạch đàn tròn từ thị trường Nam Phi trong tháng 4 đạt 173,05 USD/m3-CIF, giảm 2,52 USD/m3 so với tháng trước. Như vậy, giá gỗ bạch đàn tròn nhập khẩu từ thị trường Nam Phi liên tục giảm từ đầu năm 2009 đến nay.

(Vinanet)