Ngân hàng Nhà nước từ đầu tháng 7 đã cấm các ngân hàng nâng giá bán USD cho các doanh nghiệp cao hơn so với giá trần cho phép dưới mọi hình thức và kiểm tra gắt gao việc chấp hành quy định tại các ngân hàng. Thế nhưng, giá USD trên thị trường tự do vẫn duy trì ở mức cao hơn ít nhất là 3% so với giá trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Do ngân hàng không thể mua USD theo giá niêm yết để bán lại bằng giá niêm yết nên khách hàng là doanh nghiệp nhập khẩu có nhu cầu mua USD tại ngân hàng đã không được đáp ứng.
Trước tình hình bán giá cao thì phạm luật, mà bán đúng giá thì không có nguồn, các ngân hàng hiện nay đang tư vấn cho khách hàng của mình mua bán với nước ngoài bằng các loại ngoại tệ khác.
Giám đốc về ngoại hối của một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cho biết, giải pháp mà doanh nghiệp nhập khẩu có thể làm trong thời buổi hiện nay khi mà tất cả những hình thức bù trừ đều bị cấm, là chuyển hóa đơn của mình sang ngoại tệ khách để thanh toán.
Ví dụ, một doanh nghiệp nhập một lô hàng trị giá một triệu USD, doanh nghiệp này sẽ yêu cầu nhà xuất khẩu ở nước ngoài ghi trong hợp đồng là có thể thanh toán bằng một ngoại tệ khác USD như euro hay đô la Singapore… tại thời điểm thanh toán.
Vào ngày thanh toán, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bàn bạc với nhà xuất khẩu rằng hôm nay sẽ trả một triệu USD, nhưng do không có USD nên sẽ trả bằng euro. Nhà xuất khẩu ở nước ngoài sẽ dùng tỷ giá euro và USD để tính ra số tiền và báo lại cho nhà nhập khẩu Việt Nam, ví dụ là 700.000 euro. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ mua 700.000 euro ở ngân hàng để thanh toán cho đối tác.
Vì các loại ngoại tệ khác không bị neo tỷ giá như USD nên doanh nghiệp có thể mua với giá thích hợp mà tính ra thì tương đương với khoản tiền dùng để mua USD với giá cao hơn giá niêm yết hiện nay. Đây cũng là cách mà đa số các ngân hàng tư vấn cho doanh nghiệp của mình và những ai bán hàng cho Việt Nam cũng phải chấp nhận thanh toán bằng ngoại tệ khác.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank, cho rằng thanh toán bằng ngoại tệ khác ngoài USD là phương án tương đối khả thi hiện nay cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay không hiểu rõ lắm về các ngoại tệ khác so với hiểu về USD. Sự biến động của các loại ngoại tệ khác nhanh hơn USD vì không bị neo tỷ giá, nên doanh nghiệp e ngại sử dụng phương thức này.
“Chỉ đến lúc không còn cách nào thì họ mới chấp nhận sử dụng ngoại tệ khác USD để thanh toán. Ví dụ như đồng yên của Nhật, hầu hết các doanh nghiệp thanh toán bằng đồng yên đa số đều bị lỗ do tỷ giá”, bà Tâm nói.
Theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước có hai cách để giải quyết vấn đề căng thẳng đồng USD hiện nay. Thứ nhất là nới biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD hoặc tăng tỷ giá liên ngân hàng để tỷ giá gần với giá thật sự đang được giao dịch.
Cách thứ hai là tăng lãi suất cơ bản tiền đồng. Cách này sẽ giúp lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam hấp dẫn hơn hẳn lãi suất USD, sẽ khuyến khích những người đang găm giữ USD bán ra lấy tiền đồng để gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, cả hai cách đều có thể tạo ra nguy cơ lạm phát quay lại nên Ngân hàng Nhà nước đang rất cân nhắc và hiện tại cơ quan quản lý này vẫn chưa có động thái nào về chính sách ngoài việc đi kiểm tra việc mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng và điểm thu đổi ngoại tệ.
Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, hiện có khoảng 9 tỉ USD tiền gửi tại các ngân hàng trên địa bàn và một nửa trong số đó là của các khách hàng là tổ chức.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn